Đinh lăng còn được gọi là cây Gỏi cá, Nam dương sâm tên khoa học Polyscias fruticosa L. Harras họ Nhân sâm – Araliaceac.
Theo Đông y rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ. Nói chung, ngoài tác dụng lương huyết và giải độc thức ăn, những tính chất của đinh lăng gần giống nhân sâm.
Trong dân gian, đinh lăng thường dùng để trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẩn ngứa. Lá đinh lăng cũng được dùng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người mới ốm dậy.
Nghiên cứu và qua thực nghiệm của Học viện Quân y, rễ đinh lăng có tác dụng làm tăng cường sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống mệt mỏi, giúp ăn ngon, ngủ yên, tăng khả năng lao động và làm việc bằng trí óc, lên cân và chống độc. Đinh lăng có vị cay, ngọt, mùi thơm mạnh, tính nóng ấm, vào 4 kinh phế, tỳ, vị và thận, có tác dụng kích thích, làm thơm, lợi trung tiện, làm ấm bụng, sát trùng.
Tác dụng chữa bệnh huyết áp thấp:
Bài 1: Rễ củ đinh lăng sao thơm 20g, gừng tươi 3 lát, sắc uống thay nước hàng ngày. Bài thuốc có tác dụng chữa huyết áp thấp.
Bài 2: Lá đinh lăng tươi từ 150 – 200g, nấu sôi khoảng 200ml nước (có thể dùng nước sôi có sẵn ở “phích”), gừng tươi 3 – 5 lát. Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy lắp lại, sau vài phút, mờ nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5 – 7 phút chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200 ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ 2. Cách dùng lá tươi thuận tiện vì không phải dự trữ, không tốn thời gian nấu lâu, lượng nước ít, người bệnh dễ uống nhưng vẫn bảo đảm được lượng hoạt chất cần thiết. Bài thuốc này thích hợp với người huyết áp thấp, mệt mỏi, hư nhược...
BS.TTƯT Quách Tuấn Vinh (Phó chủ tịch Hội Đông y Hoàn Kiếm)