Nơi hội tụ của các kinh, can và mạch
Bách hội là một trong 28 huyệt của mạch đốc, một kinh mạch hết sức quan trọng chạy dọc cột sống lên đầu có tác dụng điều chỉnh và làm phấn chấn dương khí toàn thân.
Đặc biệt, bách hội còn là nơi hội tụ của tất cả các kinh dương và cũng là chỗ gặp nhau của kinh can và mạch đốc. “Bách” có nghĩa là một trăm ý nói nhiều về số lượng ; “hội” có nghĩa là nơi tụ hội của tất cả các kinh dương, của ngũ tạng, lục phủ... Công dụng chính của huyệt này là bình can tức phong, tỉnh thần tô quyết, thăng dương cử khí thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau đầu, ngạt mũi, sa trực tràng, sa tử cung, trúng phong, điên cuồng, hay quên, ù tai, hoa mắt, mất ngủ, tim đập hồi hộp...
Hơn nữa, bách hội là một huyệt vị hàm chứa khá nhiều tiềm năng trong phòng chống bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý có liên quan đến hệ thống thần kinh. Những kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, việc tác động lên huyệt vị này bằng các phương thức khác nhau như day bấm, châm cứu, thuỷ châm, điện châm... có ảnh hưởng rõ rệt đến lưu huyết não theo hướng có lợi: Biên độ các sóng tăng, giảm trương lực mạch máu, tăng tính đàn hồi thành mạch, tăng lưu lượng tuần hoàn não. Đối với điện não đồ, sự tác động lên huyệt bách hội có khả năng làm tăng chỉ số và biên độ sóng α, làm giảm chỉ số sóng điều trị và các sóng chậm khác.
Ngoài ra, người ta còn nhận thấy châm cứu và day bấm huyệt vị này còn có khả năng trấn tĩnh, làm tăng trí nhớ, chống phù não và cải thiện tình trạng rối loạn hành vi. Về mặt nghiên cứu lâm sàng, chỉ bằng sự tác động hợp lý lên huyệt bách hội đơn thuần các nhà y học cổ truyền đã chữa được khá nhiều chứng bệnh như huyết áp thấp nguyên phát, rối loạn tiền đình, di chứng bại liệt do rối loạn tuần hoàn não, câm do rối loạn thần kinh chức năng, tiểu tiện mất tự chủ do rối loạn thần kinh trung ương, suy nhược thần kinh, đau lưng cấp tính, đái dầm ở trẻ em...
Cách thực hiện
Xác định: Bách hội nằm ở đỉnh đầu, là điểm gặp nhau của hai đường vuông góc: một đường đi ngang qua đỉnh vành tai (xác định bằng cách gấp hai vành tai về phía trước) và một đường dọc qua giữa đầu, khi sờ sẽ thấy một khe xương lõm xuống, ấn có cảm giác tức nặng. Có một cách tự xác định khá đơn giản: Đầu tiên, cắm hai ngón tay cái vào trong hai lỗ tai, các ngón còn lại xoè ra, ngón tay giữa của hai bàn tay vươn thẳng về phía đỉnh đầu. Sau đó, các ngón ôm chặt lấy đầu, hai đầu ngón tay giữa của hai bàn tay chạm nhau ở đâu thì đó chính là vị trí của huyệt bách hội.
Chuẩn bị: Chọn tư thế thích hợp, tốt nhất là nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế có tựa. Tinh thần thư thái, tập trung sự chú ý vào việc day bấm huyệt. Xác định chính xác vị trí của huyệt.
Thực hiện: Thuận tay nào thì dùng bàn tay đó nắm hờ, ngón giữa hơi cong đặt vuông góc với huyệt, gốc bàn tay tì vào đầu làm điểm tựa. Tiến hành ấn và day huyệt theo chiều kim đồng hồ trong vòng 2 phút. Chú ý thao tác phải nhịp nhàng nhưng đảm bảo lực tác động phải tương đối mạnh. Nếu không muốn ấn bằng ngón tay thì có thể dùng các vật khác thay thế như đầu chiếc đũa nhỏ, đầu que tính học sinh hoặc dùng 5 - 6 chiếc tăm buộc chặt lại để tác động lên huyệt.
Sau khi day ấn lần đầu nếu chưa đạt hiệu quả như mong muốn có thể nghỉ vài phút rồi lại tiến hành day ấn tiếp theo quy trình như trên.
BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)