Rau hẹ: Vị hơi chua, cay, tính ấm, không độc, tác dụng ích thận, trợ dương, ôn trung. Cách dùng, phối hợp rau hẹ với óc heo, huyết heo, đậu hũ hoặc xào với tôm, tép. Chữa các chứng dương khí hư, gối mỏi, di mộng tinh, huyết áp thấp.
Giá đậu: Vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ hư, thanh nhiệt sinh tân, tiêu độc chỉ khát, tiêu thực… Dùng phối hợp giá đậu ăn sống, xào thịt, nấu canh chua. Chữa chứng tỳ phế khí hư, thường đau đầu chóng mặt, suy giảm trí nhớ, huyết áp thấp.
Hoa lý: Vị ngọt dịu tính bình, tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, ích thận, dễ ngủ, tiêu viêm, nhẹ người… Cách dùng xào hoa lý với thịt bò hoặc heo, gà, nấu canh với tôm, tép, cua cá đều ngon. Dùng cho người tỳ thận khí hư, ăn ngủ kém, nhức mỏi, huyết áp thấp.
Cà rốt: Vị ngọt hơi ấm, tác dụng bổ tỳ thận, dưỡng khí huyết, cầm tả, trừ hàn thấp… Cách dùng, cà rốt phối hợp khoai tây, xương thịt gà, bò, heo hầm, hoặc làm gỏi, xào ăn tuần vài lần. Chữa chứng tỳ thận hư, ăn kém, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, huyết áp thấp.
Bí đỏ: Vị ngọt tính hơi ôn, tác dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt, nhuận phế. Cách dùng, bí đỏ phối hợp xương thịt heo, gà, gia cầm hầm ăn. Chữa chứng đau đầu chóng mặt, khí huyết hư, ăn ngủ kém, huyết áp thấp.
Đậu đũa: Vị ngọt tính bình, tác dụng bổ tỳ, ích ngũ tạng, ích khí, dưỡng huyết. Cách dùng, xào thịt bò, heo gà xào hoặc luộc, ăn sống đều ngon. Chữa chứng hư nhược thiếu máu, thiếu sắt,mệt mỏi huyết áp thấp.
Đậu rồng (đậu vuông): Vị ngọt tính mát, tác dụng bổ hư, ích khí, dưỡng huyết. Cách dùng trái non xào với thịt bò hoặc thịt heo, thịt gà ăn, đậu chín lấy hạt nấu chè, làm bánh như đậu xanh ăn. Chữa khí huyết lưỡng hư, gầy sút, khó lên cân, huyết áp thấp.
Gấc: Vị ngọt tính bình, tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng huyết, ích can thận, sáng mắt. Bằng cách gấc gần chín xào thịt ăn, gấc chín lấy cơm nấu xôi, làm mứt làm kẹo ăn. Chữa khí huyết hư, mắt yếu, mệt mỏi, thấp huyết áp.
Táo ta hoặc táo tây: Vị ngọt tính bình, không độc, tác dụng bổ tỳ, ích ngũ tạng, dịu thần kinh… Cách dùng ăn tươi, hoặc ép nước, xay sinh tố ăn. Chữa chứng tỳ vị hư mà ăn kém, đại tiện lỏng phân nát, huyết áp thấp.
Nhãn (long nhãn): Vị ngọt, tính bình, tác dụng ích can, an thần, định trí, bổ huyết, bổ tâm tỳ… Cách dùng ăn tươi, hoặc phối hợp hạt sen, đậu xanh nấu chè ăn. Chữa chứng tâm tỳ hư ăn ngủ kém huyết áp thấp.
LY Nguyễn Văn Phúc (Trưởng khoa Đông y-Vật lý trị liệu, Phòng khám đa khoa Thiên Nam, Vũng Tàu)