Bác sĩ trắng đêm nối bàn tay bị đứt rời cho cháu bé 21 tháng tuổi

Trắng đêm các bác sĩ bệnh viện Đại học Y đã thực hiện nối bàn tay đứt rời cho bé. Ở trẻ nhỏ không chỉ khó khăn trong phẫu thuật nối ghép mà cả phục hồi.

8 tiếng tỷ mỉ phục hồi toàn bộ mạch máu, thần kinh

21h tối ngày 17/4, cháu bé 21 tháng tuổi tại Bắc Ninh được gia đình đưa nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng bàn tay phải bị đứt rời do tai nạn xảy ra với máy dập nắp cốc tại quán của gia đình.

Ngay khi nhận được thông báo khẩn cấp từ Khoa Cấp cứu, Khoa Gây mê hồi sức và chống đau đã nhanh chóng thông báo với các bác sĩ ngoại khoa, cần ngừng những ca phẫu thuật cấp cứu có trì hoãn và ưu tiên cho cháu bé được mổ sớm nhất có thể đồng thời mọi dụng cụ, thuốc men được chuẩn bị kĩ càng để có thể gây mê cho cháu ngay lập tức.

Những người trực tiếp thực hiện phẫu thuật là các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao cũng nhanh chóng tập trung và phân công các nhóm thực hiện sao cho thời gian thực hiện phẫu thuật ngắn nhất, đảm bảo thời gian phục hồi lại lưu thông mạch máu cho bệnh nhi.

Các bác sĩ trắng đêm để nối cánh tay đứt rời cho trẻ 21 tháng

Các bác sĩ trắng đêm để nối cánh tay đứt rời cho trẻ 21 tháng

TS. BS. Đỗ Văn Minh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao là một trong những bác sĩ phẫu thuật chính cho bệnh nhi nhấn mạnh: “Bàn tay có cấu trúc giải phẫu có tính chất phức tạp chức năng tinh tế nên việc phục hồi cả giải phẫu và chức năng của người bệnh một cách hợp lý phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhận thức của người thầy thuốc và nhận thức của người bệnh, người nhà người bệnh sẽ quyết định hướng điều trị đúng đắn nhất.”

Ca phẫu thuật kéo dài gần 8 giờ khâu nối phục hồi lại toàn bộ giải phẫu cho bàn tay bị đứt lìa bao gồm đặt lại xương, đặt lại khớp, cố định xương khớp vững chắc, nối gân cơ (gồm gân duỗi và gân gấp), khâu nối các mạch máu và dây thần kinh.

BS Nguyễn Hợp Nhân, Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết: “ở cháu bé này, để đảm bảo cấp máu tốt nhất cho cháu và các chức năng về sau này, chúng tôi đã quyết định nối 2 động mạch và 4 tĩnh mạch, gần như phục hồi toàn bộ mạch máu. Thần kinh cũng phục hồi nguyên trạng cả về thần kinh quay, trụ giữa”.

Khó khăn khi thực hiện phẫu thuật chi thể đứt rời ở trẻ nhỏ

Trường hợp đứt lìa bàn tay ở cháu bé 21 tháng tuổi có thể được xem là trường hợp đứt rời hoàn toàn bàn tay nhỏ tuổi nhất, ít được báo cáo trong y văn. Vi phẫu nối chi thể bị đứt lìa khá phức tạp, các thao tác nối lại rất khó, cần sự khéo léo, tập trung cao độ, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm dày dặn về phẫu thuật vi phẫu.

TSBS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Công nghệ Cao là 1 trong những bác sĩ phẫu thuật chính cho bệnh nhi cho biết: “Bất kì cuộc phẫu thuật nối ghép nào cũng tiềm ẩn nguy cơ thất bại, sớm nhất là tắc mạch gây hoại tử bộ phận được nối ghép, trường hợp này, nguy cơ cao hơn do mạch máu nhỏ và tổn thương máy dập nhựa dễ gây bỏng và tổn thương lòng mạch. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tích lũy được, chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng ca mổ sẽ thành công”.

Bác sĩ Việt Dung cũng cho biết, kỹ thuật nối ghép các bộ phận đứt rời trên bệnh nhân nhỏ tuổi khó hơn rất nhiều so với người lớn:

Khó khăn thứ nhất là ca mổ kéo dài, kèm theo mất máu, mất dịch là một thách thức với ekip gây mê hồi sức, đòi hỏi phải xử lý chính xác, kịp thời và rất cẩn trọng ở trong toàn bộ quá trình phẫu thuật.

Thứ 2 là các mạch máu, thần kinh ở vùng này bình thường vốn đã nhỏ bé, cần phải nối dưới kính hiển vi phẫu thuật thì trong trường hợp này, các mạch máu, thần kinh còn nhỏ hơn rất nhiều.

Thứ 3 là các cấu trúc giải phẫu ở trẻ chưa ổn định, đang trong thời kỳ phát triển rất dễ bị ảnh hưởng sau này như gân, xương, sụn khớp…, nên tất cả các thao tác đều rất cần sự tỷ mỉ và phải lựa chọn phương án sao cho hạn chế nhất sự ảnh hưởng này.

Thứ 4 là quá trình hậu phẫu cần sự bất động trong thời gian đầu và sau đó là tập phục hồi chức năng rất cần sự phối hợp của bệnh nhân thì lại không dễ dàng thực hiện ở trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, tình trạng bệnh nhi lúc nhập viện cũng là nguyên nhân khiến các bác sĩ cũng phải đánh giá và theo dõi tỉ mỉ. “Bệnh nhi mất máu nhiều trước đó, tiên lượng thời gian phẫu thuật dài và lượng máu mất trong ca mổ lớn cũng nên chúng tôi đã cho lĩnh máu và truyền cho cháu ngay từ sớm. Trong quá trình gây mê và phẫu thuật thường làm tụt nhiệt độ cho trẻ em rất nhanh, do đó chúng tôi rất chú trọng việc theo dõi nhiệt độ và ủ ấm cho cháu trong và sau phẫu thuật”, BS gây mê Trần Xuân Bách cho hay.

Sau phẫu thuật trẻ đã phục hồi

Sau phẫu thuật trẻ đã phục hồi

Cần chú ý sau phẫu thuật

Sau một ca mổ rất dài (gần 8h), hầu như bệnh nhi không có rối loạn gì cả về lâm sàng lẫn xét nghiệm. Theo dõi bàn tay được nối lại tốt (đầu chi hồng ấm), các bác sĩ gây mê tiến hành gây tê thần kinh để giảm đau, và ngừng thuốc an thần cho bệnh nhi tỉnh dậy. Sau 6 giờ theo dõi ổn định bệnh nhi được chuyển về Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Công nghệ cao để theo dõi tiếp.

Sau mổ bên cạnh những dấu hiệu cần theo dõi hậu phẫu thông thường như dấu hiệu sinh tồn, tình trạng chảy máu, thiếu máu, nhiễm trùng thì việc theo dõi hồi lưu mạch máu ở bàn tay được nối ghép đóng vai trò quan trọng để phát hiện sớm tình trạng tắc mạch. Nếu bệnh nhân ổn định, có thể xuất viện sau 7 -10 ngày điều trị.

Nếu diễn biến tốt, bệnh nhi sẽ được tập phục hồi chức năng sớm sau 1-2 tuần sau nối ghép. Một số vấn đề có thể gặp phải liên quan đến sự hồi phục thần kinh, co dính gân sau nối và sự phát triển của xương, sụn khớp.

Từ lo lắng đến niềm vui vỡ oà

Các bác sĩ của ca trực đêm đó không thể quên được hình ảnh một cháu bé khoảng 10kg, mặc chiếc áo ba lỗ trắng, quần đùi, cả hai đều thấm đẫm máu đỏ, cháu khóc liên tục vì đau rất nhiều, mẹ cháu vừa khóc vừa dỗ cháu, người bố thì ngồi thẫn thờ, dường như chết lặng đi.

Bao nhiêu bình tĩnh của người mẹ để quyết định đưa con đi sơ cứu cầm máu và đưa lên Hà Nội để cấp cứu cho con sau khi gặp được các bác sĩ đã gần như tiêu biến, chỉ còn lại bao nhiêu lo lắng và sợ hãi, bây giờ chỉ còn trông cậy vào các bác sĩ để cứu chữa cho con.

“Bây giờ y học thật sự quá giỏi, trước nay chỉ xem ở trong phim chứ chưa thấy ngoài đời. Lúc được gặp con tại phòng hậu phẫu tôi không biết diễn tả như thế nào để cảm ơn các bác sĩ”, mẹ bệnh nhi xúc động chia sẻ.

Đến nay, bệnh nhi vẫn đang được chăm sóc và theo dõi việc phục hồi sau mổ, bàn tay hồng ấm và bắt đầu có những cử động lại của ngón tay. Những tiến triển tích cực của bệnh nhi là niềm vui và hạnh phúc không chỉ của gia đình mà còn là của các bác sĩ trực tiếp chăm sóc và toàn bộ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Theo Đời sống
back to top