Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E, đây là một trong những bước tiến kỹ thuật để Bệnh viện có thể thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng, bộ phận cơ thể người trong thời gian tới, tạo ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
Ngã từ giàn giáo 8m xuống đất
Sau hơn 1 tuần phẫu thuật nối ghép, cánh tay của người bệnh đã “sống”, cẳng bàn tay hồng, hồi lưu tốt, sức khỏe của người bệnh cũng dần ổn định. Không giấu nổi sự vui mừng cùng niềm xúc động, người bệnh nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng khi bị tai nạn lao động ngã từ giàn giáo cao hơn 8m xuống đất, với cánh tay trái bị đứt rời và nhiều vết thương khác trên cơ thể vô cùng đau đớn.
Người bệnh được đồng nghiệp phát hiện nằm trong vũng máu với cánh tay đứt lìa nham nhở lộ gân, cơ, xương và phần cánh tay gãy vẫn còn lủng lẳng… trên giàn giáo. Các đồng nghiệp đã lấy phần cánh tay bị đứt rời xuống, đặt trực tiếp vào hộp đá lạnh và đưa cùng người bệnh đến Bệnh viện E để cấp cứu.
ThS.BS Lê Thị Nga, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt cho biết, người bệnh vào viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng cơ thể bị đa chấn thương rất nặng: gãy xương chày trái, rách vùng nách trái lộ cơ kéo dài 20 cm và đặc biệt là đứt rời cánh tay trái, vị trí mỏm cụt gây mất máu nghiêm trọng, vết thương nham nhở, lộ cơ, xương và dây thần kinh bị tuốt dài và lộ thiên khoảng 30 cm…
Sau khi tiến hành cấp cứu cho người bệnh, bệnh viện kích hoạt khẩn cấp quy trình báo động đỏ để kịp thời gian vàng điều trị của người bệnh. Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn khẩn cấp giữa các bác sĩ của nhiều chuyên khoa và một số chuyên gia Bệnh viện Việt Đức nhằm đánh giá tình trạng vết thương của người bệnh. Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh phức tạp, cần phẫu thuật sớm để đảm bảo tính mạng do bệnh nhân mất máu nhiều và đảm bảo thời gian tái tưới máu vùng cánh tay cho bệnh nhân.
Nhiều kíp mổ cùng vượt khó để thành công
Các bác sĩ đã đưa ra phương án lựa chọn tốt nhất cho người bệnh là nối lại cánh tay bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu thuật để đảm bảo chức năng cho cẳng bàn tay cũng như tính thẩm mỹ cho người bệnh.
Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu, ứng dụng vi phẫu thuật nối các phần cơ thể đứt rời hay các tổn thương đứt mạch máu, dây thần kinh hoặc chuyển ghép thần kinh, chuyển vạt tự do để điều trị những khuyết hổng ở chi thể là một trong những ứng dụng thành công của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện E. Trong những năm vừa qua, có rất nhiều trường hợp người bệnh bị tai nạn nghiêm trọng như cắt cụt bàn tay, ngón tay, đứt vành tai… đã được cấp cứu, điều trị và phục hồi chức năng đạt hiệu quả cao tại Bệnh viện E.
TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, trực tiếp tham gia và điều hành các kíp ca mổ từ 18h hôm trước và kết thúc lúc gần 1 giờ sáng ngày hôm sau.
Đầu tiên, TS.BS Nguyễn Trung Tuyến – Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao và các bác sĩ đã tiến hành phải cắt lọc phần cơ bị dập nát và làm ngắn xương cánh tay 7cm sau đó kết hợp xương cho người bệnh nhằm mục đích phần cơ còn lại có thể che phủ được xương.
Công đoạn này quan trọng, được ví như người xây nền móng vững nhằm tạo độ vững cho cánh tay để ghép nối các phần khác như cơ, dây thần kinh, mạch máu… không bị căng.
Một ê kíp các bác sĩ tim mạch và tạo hình thẩm mỹ nhanh chóng nối mạch máu (gồm động mạch cánh tay và các tĩnh mạch) và thần kinh dưới kính hiển vi, khâu phục hồi cơ để kịp thời cứu sống cánh tay trước khi phần đứt rời bị hoại tử.
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Minh – trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt thì cái khó và phức tạp của trường hợp này là mạch máu nhỏ, tổ chức cơ ở cánh tay bị đứt rời nham nhở, thần kinh và mạch máu bị đứt theo kiểu nhổ rời, đặc biệt, dây thần kinh này có tính chất dai nên bị nhổ dài xuống đến phần cẳng tay và lộ cả ra ngoài đến khoảng gần 30 cm, cùng với đó là phần chi bị đứt rời không được bảo quản đúng cách (cho trực tiếp vào đá gây bỏng lạnh tổ chức) nên việc phẫu thuật để nối lại cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải thao tác một cách khéo léo, tỉ mỉ cao và hết sức nhanh chóng trong cuộc phẫu thuật. Các y, bác sĩ phải sử dụng bộ dụng cụ vi phẫu chuyên dụng và kính vi phẫu kết hợp tay nghề chuyên môn thuần thục mới có thể thực hiện các thao tác khâu nối các động mạch, tĩnh mạch nhỏ với kích thước nhỏ.
Cánh tay đã phục hồi đã cử động được của người bệnh |
Thêm một khó khăn nữa, do dây thần kinh bị đứt xa so với phần gãy xương nên các bác sĩ phải tìm đường hầm xuống phía dưới cẳng tay để xác định đầu ngoại vi của dây thần kinh và nối cho người bệnh. Các hệ thống thần kinh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng vận động cánh tay của người bệnh sau này nên các bác sĩ phải vô cùng cẩn trọng.
Ca mổ kéo dài, tổn thương phức tạp, cơ dập nát nhiều, các bác sĩ gây mê hồi sức phải truyền lên đến 10 lít máu và các chế phẩm từ máu như hồng cầu, huyết tương... để duy trì sự sống cho người bệnh.
Sau nhiều giờ căng thẳng, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, các phẫu thuật viên có kinh nghiệm dày dặn về phẫu thuật vi phẫu thần kinh, mạch máu và tạo hình thẩm mỹ đã nối thành công cánh tay đứt rời của người bệnh.
“Nếu gặp trường hợp đứt rời, gần đứt rời chi thể hay bộ phận cơ thể, người bệnh cần được làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý nếu có, quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt rời rồi cho vào túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại và bảo quản trong môi trường lạnh phần chi đứt rời. Sau đó, cần nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu ghép nối chi thể đứt rời, tránh di chuyển nhiều làm mất thời gian vàng để có thể cứu sống chi thể” - TS.BS Nguyễn Trung Tuyến thông tin