Bạc sớm trước 20 tuổi thường có mật độ xương thấp
Nhiều người dù tuổi đời đôi mươi nhưng đã có mái tóc bạc xen kẽ tóc đen. Theo BS Hồ Phương Thùy, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tóc bạc là tình trạng tóc mất sắc tố, chuyển thành màu trắng. Độ tuổi xuất hiện tóc bạc tự nhiên trung bình ở người da trắng, vàng, đen tương ứng là 35, 40 và 45 tuổi. Khoảng 6-23% người 50 tuổi có một nửa mái đầu là tóc bạc.
Tóc bạc sớm là tình trạng tóc bạc trước tuổi 20 ở người da trắng, trước 25 ở người da vàng và trước 30 tuổi ở người da đen.
Tóc bạc sớm không phải là bệnh, cũng không là dấu hiệu cảnh báo máu xấu hay bệnh lý. Cơ chế bệnh sinh của tóc bạc sớm chưa rõ ràng, một số tác giả cho rằng có thể liên quan đến rối loạn lão hóa sớm, bệnh tự miễn, cơ địa.
Tóc bạc thường bắt đầu ở vùng thái dương, vùng đỉnh, tiến triển từ từ ở những vùng còn lại. Râu và lông cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng thường muộn hơn. Tóc bạc đột ngột sau một đêm có thể là một giai đoạn của rụng tóc thể mảng, gọi là canities subita.
Một số hội chứng bẩm sinh có liên quan đến tóc bạc sớm như Brook, Werner, Rothmund-Thomson, Cri-du-chat, Down… Người có học thức cao, mắc bệnh mạn tính, béo phì kèm theo thường bạc tóc sớm. Đặc biệt, gia đình có ông bà, bố mẹ tóc bạc sớm thì con, cháu cũng có nguy cơ này.
Một nghiên cứu trên gần 6.500 người, trong đó có hơn 1.600 người tóc bạc sớm cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa tiền sử gia đình có người tóc bạc sớm và béo phì đến tỉ lệ tóc bạc sớm và mức độ nặng của tóc bạc.
Bác sĩ giải thích cho việc tóc bạc sớm ở người trẻ |
Bạc tóc sớm có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan tới quá trình lão hóa chung của cơ thể, Khi chúng ta già đi, các bộ phận sẽ bị lão hóa và tóc sẽ bạc trắng. Do tóc không còn tổng hợp được sắc tố. Do đó, các bệnh lý liên quan đến lão hóa sớm đều có thể dẫn đến bạc tóc sớm.
- Thiếu vitamin B nhất là B12, thiếu máu mạn tính, thiếu đồng và một số bệnh lý khác đều có thể gây nên tóc bạc sớm.
- Ngoài ra, thói quen lối sống cũng liên quan tới việc tóc bạc sớm. Ví dụ, người hút thuốc tóc sẽ bị bạc sớm hơn so với người không hút thuốc. Do các chất độc có trong khói thuốc làm tăng quá trình lão hóa và gây ra bạc tóc sớm.
- Thói quen thức khuya có liên quan tới yếu tố stress thực chất không ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình bạc tóc. Tuy nhiên, nếu stress liên tục sẽ tiết ra các chất oxy tự do tích tụ nhiều sẽ gây ức chế quá trình sản sinh của sắc tố và gây ra bạc tóc sớm
- Ngoài yếu tố về lối sống, chế độ ăn thì hiện tượng tóc bạc sớm còn có liên quan tới yếu tố gen, di truyền, bố mẹ bị bạc tóc sớm thì thế hệ sau con cũng sẽ bạc tóc sớm.
- Bên cạnh đó, bạc tóc sớm có liên quan tới vấn đề bệnh lý, ví dụ, các bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch như nhiễm HIV, bệnh tuyến giáp, tổn thương do thuốc điều trị…
Những người nghiện rượu, người có hiện tượng rụng tóc hay thường căng thẳng, hút thuốc... dễ bạc tóc sớm.
Một số bệnh liên quan chứng tóc bạc sớm như loãng xương hay mạch vành. Trong đó, một nghiên cứu báo cáo ở người tóc bạc sớm cho thấy tỷ lệ loãng xương cao hơn 4 lần so với đối tượng khác. Người tóc bạc sớm trước 20 tuổi thường có mật độ xương thấp hơn. Vì thế, cần tầm soát loãng xương cho cả gia đình có người tóc bạc sớm.
Vậy làm sao để cải thiện tình trạng tóc bạc sớm?
Nếu bạc tóc do lối sống và dinh dưỡng hoặc bệnh lý hoàn toàn có thể cải thiện được màu tóc. Trường hợp bệnh nhân bạc tóc có liên quan tới vấn đề về dinh dưỡng thì cần bổ một số vitamin tốt cho tóc như: vitamin nhóm B, vitamin B12, sắt, đồng.
Nếu bạc tóc có liên quan tới bệnh lý thì cần phải điều trị các bệnh lý đó, như bệnh tuyến giáp,...
Trong trường hợp bệnh nhân bạc tóc do di truyền thì cho đến nay, chưa có phác đồ cụ thể để điều trị tóc bạc.
Nhìn chung, bệnh nhân tóc bạc sớm cần phải đi khám để tìm ra nguyên nhân cụ thể, từ đó mới có phác đồ giúp cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả nhất.