Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh thường gặp nhất của đường tiêu hóa. Tỷ lệ mắc bệnh ở các nước Âu Mỹ từ 10-20%, ở châu Á chỉ khoảng hơn 6%. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ bệnh ở nam, nữ tương đương nhau. Ở nữ tỷ lệ bị bệnh này không do viêm cao hơn nam. Nam giới bị viêm thực quản, Barrett thực quản và ung thư thực quản cao hơn nữ.
Bênh trào ngược dạ dày thực quản nếu không được điều trị tốt sẽ có các biến chứng sau:
Chảy máu và rò thực quản:
Biến chứng này ít gặp ở Việt Nam vì nó liên quan đến tình trạng viêm do trào ngược với các ổ loét sâu hoặc viêm thực quản lan tỏa.
Chít hẹp thực quản:
Chít hẹp thực quản gặp 7-23% ở các bệnh nhân viêm thực quản do trào ngược không được điều trị. Thường gặp ở các bệnh nhân lớn tuổi, bị trào ngược kéo dài và dùng thuốc chống viêm giảm đau không Steroid (NSAID). Nam gặp nhiều hơn nữ. Cơ chế gây chít hẹp là sự tê liệt của của cả 3 yếu tố: hàng rào chống trào ngược, khả năng làm sạch thực quản dưới, thoát vị khe hoặc giãn thoáng qua cơ thắt thực quản dưới. Những tổn thương này sẽ dẫn đến viêm, phù nề, thâm nhiễm và tắc mạch và cuối cùng là hiện tượng dính của mô liên kết và collagen rồi dẫn đến xơ hóa. Biểu hiện lâm sàng là khó nuốt và nặng dần lên.
Barret thực quản:
Barrett thực quản là biến chứng quan trọng của trào ngược thực quản dạ dày vì nó có nguy cơ chuyển thành ung thư. Đối với Barrett thực quản đoạn dài (> 3cm) nguy cơ ung thư cao gấp vài chục đến hàng trăm lần so với người không bị Barrett. Đối với Barrett thực quản đoạn ngắn (<= 3cm) nguy cơ ung thư cao gấp 3-5 lần so với người không bị Barrett.
Barrett thực quản là biểu mô vảy của đoạn dưới thực quản ngay trên đường Z bị thay thế bởi biểu mô dạng cột với các tế bào giống như ở ruột (dị sản ruột) và có cả tế bào chế tiết hình đài.
Có 2 điểm cần lưu ý: (1) Lòng thực quản phía trên tâm vị có sự thay thế lớp tế bào biểu mô vảy bởi lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày và (2) Sinh thiết có dị sản ruột.
Barrett thực quản là một tình trạng bất thường của thực quản và có xu hướng trở nên ác tính. Biến chứng này gia tăng trong những năm gần đây. Tại Hà Lan năm 1977 tỷ lệ này là 14,3/100.000 và tăng lên năm 2002 là 23,2/100.000. Tỷ lệ Barrett gặp qua nội soi 5-15% các trường hợp có triệu chứng GERD. Tỷ lệ chung 13,2% thường ở nam giới có tuổi trung niên và người già.
Một số trường hợp khó phân biệt giữa GERD có viêm và biến chứng Barrett. Phần lớn bệnh nhân Barrett thực quản có nóng rát, ợ chua nhưng khoảng 25% không có các triệu chứng này.
Về mặt nội soi, để xác định Barrett thực quản dựa vào: (1) ranh giới lớp tế bào biểu mô hình cột của dạ dày và lớp biểu mô vảy của thực quản bị di lệch lên trên so với tâm vị là nơi phân định giữa 2 cơ quan này. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh có thế hệ máy nội soi hiện đại có độ phóng đại lớn và dải tần ánh sáng hẹp và các bác sĩ có kinh nghiệm cho phép chẩn đoán Barrett thực quản qua nội soi khá chính xác.
Tuy nhiên chuẩn vàng để chẩn đoán Barrett thực quản vẫn là kết quả mô bệnh học từ bệnh phẩm sinh thiết qua nội soi có kết quả là dị sản ruột với các typ tế bào tiết mucin và cả tế bào chế tiết hình đài.