Bà bầu nên tiêm văcxin nào?

(khoahocdoisong.vn) - Kháng thể có được sau tiêm chủng có thể bảo vệ người mẹ trong suốt thời gian mang thai. Kháng thể từ mẹ truyền sang con có thể bảo vệ bé trong những tháng đầu đời, khi bé chưa tự tạo được kháng thể.
Tiêm văcxin phòng bệnh trước, trong và sau khi mang thai là một biện pháp chủ động giúp bảo vệ sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

Tiêm văcxin phòng bệnh trước, trong và sau khi mang thai là một biện pháp chủ động giúp bảo vệ sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

Trước khi mang thai

Khi mang thai, hệ thống miễn dịch sẽ tự nhiên suy giảm, cơ thể dễ bị tấn công bởi những bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng xảy ra với thai nhi. Tiêm văcxin phòng bệnh trước khi mang thai là một biện pháp chủ động giúp bảo vệ sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

Sởi - Quai bị - Rubella (MMR)

Rubella rất dễ bị lây nhiễm qua những giọt bắn từ chất tiết đường hô hấp của người bị nhiễm. Rubella không nguy hiểm cho trẻ em và người lớn, nhưng nó rất nguy hiểm cho thai nhi. Nếu mẹ mắc Rubella, đặc biệt 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi có khả năng bị hội chứng Rubella bẩm sinh, tăng nguy cơ  dị tật bẩm sinh nặng nề, thậm chí có thể tử vong.

Thủy đậu

Bệnh thủy đậu có thể gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Vì vậy, trước khi mang thai, các chị em chưa từng mắc bệnh thủy đậu cần được xét nghiệm đánh giá xem có kháng thể thủy đậu chưa. Nếu chưa, các chị em cần được tiêm văcxin ngừa thủy đậu.  

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, CDC, sau khi tiêm ngừa Sởi - Quai bị - Rubella (MMR) hoặc Thủy đậu, người phụ nữ phải dùng biện pháp tránh thai tối thiểu 1 tháng vì có nguy cơ dị tật cho thai nhi trên lý thuyết.

Tuy nhiên, nếu các chị em lỡ có thai trong vòng 4 tuần đầu sau tiêm ngừa cũng không nên quá lo lắng, vì cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng chứng minh thai nhi bị dị tật bẩm sinh do tiêm ngừa MMR hoặc tủy đậu.

Nếu lỡ mang thai trước 4 tuần sau tiêm MMR hoặc thủy đậu, các mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Lưu ý là không có chỉ định chấm dứt thai kỳ với những trường hợp lỡ tiêm ngừa 2 loại văcxin trên khi mang thai; tuy nhiên, cần khám thai thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi.

Cúm

Tiêm ngừa cúm trước khi mang thai có thể bảo vệ mẹ và thai nhi trong suốt mùa cúm. Nên tiêm ngừa cúm mùa mỗi năm tương ứng với thời gian dễ mắc cúm mùa. Văcxin ngừa cúm có 2 loại: Văcxin phòng cúm bất hoạt dùng đường tiêm và văcxin phòng cúm sống giảm độc lực dạng xịt đường hô hấp. Đối với các chị em nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai cần tiêm loại văcxin phòng cúm bất hoạt.

Viêm gan B

Nếu thai phụ bị viêm gan B, virus có thể qua bé trong thai kỳ và lúc sinh. Viêm gan B có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé về sau như viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Vì vậy, việc tiêm ngừa viêm gan B cho các chị em chưa có kháng thể là rất cần thiết. Đây cũng là văcxin được tạo bởi virus bất hoạt nên có thể tiêm trước và trong thai kỳ.

Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà

Văcxin 3 trong 1 này nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của các quốc gia trên thế giới cho trẻ em. Tuy nhiên, sau 10 năm, lượng kháng thể bảo vệ sẽ giảm, vì vậy, trước khi kết hôn hoặc chuẩn bị mang thai, các chị em nên tiêm ngừa văcxin 3 trong 1 này. Văcxin Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà có thể tiêm trước và trong thai kỳ.

Những văcxin khác như viêm gan A, phế cầu được khuyên dựa vào tình trạng sức khỏe, lối sống, kế hoạch đi du lịch ở vùng có nguy cơ cao.

Trong khi mang thai

Để an toàn cho mẹ và thai nhi, những văcxin tiêm được trong thai kỳ cần thỏa các điều kiện sau:

- Là những văcxin bất hoạt, nghĩa là được chế tạo từ những vi khuẩn hoặc virus không còn khả năng hoạt động, hoặc văcxin được sản xuất từ những protein đặc hiệu có vai trò kháng nguyên.

- Được nghiên cứu an toàn và hiệu quả cho thai phụ và thai nhi.

VAT - Uốn ván

Là bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do trực khuẩn Clostridium Tetani gây ra. Vi khuẩn, nhất là bào tử uốn ván có mặt ở khắp nơi trong đất cát, bụi, phân gia súc, gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng kỹ… Tỷ lệ tử vong do uốn ván khá cao, từ 25 - 90%. Đặc biệt, uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong lên tới 95%. Văcxin uốn ván hấp phụ được tiêm cho thai phụ, có chứa giải độc tố uốn ván. Khi tiêm vào cho thai phụ sẽ tạo một lượng kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Kháng thể từ thai phụ có thể truyền sang thai nhi và bảo vệ thai nhi không bị uốn ván rốn sơ sinh.

Mẹ bầu cần khám thai và chích ngừa đầy đủ để thai nhi có thể phát triển và chào đời an toàn.

Mẹ bầu cần khám thai và chích ngừa đầy đủ để thai nhi có thể phát triển và chào đời an toàn.

Tùy vào nguy cơ lây nhiễm bệnh mà có thể tiêm ngừa. Ví dụ như thai phụ làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc đi du lịch đến những nơi có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu nên tiêm ngừa bệnh này.

Sau khi sinh

Những bà mẹ chưa được tiêm ngừa trước và trong thai kỳ nên được tiêm ngừa ngay sau sinh giúp mẹ có kháng thể bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, bảo vệ bé trong giai đoạn cho con bú và bảo vệ cho cả thai kỳ sau. Kháng thể từ mẹ có thể qua sữa đến bé khi bé bú mẹ.

Sau tiêm ngừa, cơ thể mẹ mất tối thiểu 2 tuần để tạo kháng thể, vì vậy, tốt nhất là nên tiêm ngừa trước và trong khi mang thai.

TS.BS Lê Thị Thu Hà (nguyên Trưởng khoa Sản N1, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM)

Theo Đời sống
Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn,...
back to top