Tại khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Hà Nội, chị Đinh Thị Vui (sinh năm 1990, ở Thạch Thành, Thanh Hóa) cho biết con gái Nguyễn Bảo Ngọc, 19 tháng tuổi, đã điều trị bệnh bại não được 4 đợt.
Bảo Ngọc là con đầu của hai vợ chồng nên ngay từ lúc mang thai, chị Vui được chăm sóc, tẩm bổ nhiều. Chị cho biết từ tháng thứ 3 thai kỳ, hễ nghe ai giới thiệu loại thuốc bổ dành cho bà bầu, chị đều mua về sử dụng. Chị cho rằng uống nhiều vitamin D và canxi sẽ giúp em bé khỏe nên dùng rất nhiều hai loại thuốc này.
Mỗi ngày có tới gần 300 lượt trẻ điều trị, đa phần do bại não. Ảnh: Hà Quyên.
“Khi ra đời, con tôi khóc rất nhiều, suốt nhiều tháng sau đó nhưng chúng tôi chỉ nghĩ rằng đó là khóc dạ đề. Mãi tới 6 tháng, không thấy con phát triển, chúng tôi mới đưa đi khám. Lúc này mới hay con bị bại não. Đến nay, con 19 tháng nhưng vẫn chưa biết lẫy, bò”, chị Vui xót xa.
Ở giường bên cạnh, bé Hoàng Thị Dương (3 tuổi, ở Quảng Bình) cũng mắc chứng teo não sau khi xuất huyết não. Bé đã trải qua 3 đợt điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
Theo ThS.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em, đây là hai ca bệnh mắc bại não rất đáng tiếc bởi nguyên nhân gây bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh. Nói cách khác, chính sai lầm của cha mẹ đã khiến 2 đứa trẻ này mắc bệnh.
“Mẹ của bé Bảo Ngọc khi mang thai đã bổ sung quá nhiều vitamin D và canxi nên khi bé sinh ra, hộp sọ quá bé, thóp đã liền kín quá sớm nên não không phát triển được. Còn bé Dương do không được tiêm và uống vitamin K khi chào đời dẫn tới việc bị xuất huyết não lúc hơn một tháng tuổi”, thạc sĩ Tâm cho hay.
Chuyên gia này cho biết bại não là những tổn thương não gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trước đây, nguyên nhân gây bệnh là bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng. Hiện nay, những nguyên nhân không do nhiễm trùng đang có chiều hướng gia tăng, đa số trong đó đều có thể phòng tránh được.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh bại não cha mẹ có thể phòng tránh:
– Không quản lý thai nghén tốt: Những thai phụ ở các vùng xa xôi, không được tham gia các dịch vụ y tế để quản lý và chăm sóc thai nghén đầy đủ, thường xuyên. Khi sinh con, họ không tiên lượng được những vấn đề khó khăn xảy ra như đẻ non (thiếu tháng), đẻ yếu (thiếu cân), đẻ ngạt, đẻ khó,…
– Hôn nhân cận huyết: Vấn đề tư vấn về tiền hôn nhân và hôn nhân cận huyết thống ở một số cộng đồng dân tộc ít người vẫn chưa được quan tâm. Nên các gen bệnh lý về di truyền dễ gặp nhau gây ra các bệnh lý cho thế hệ con cái. Khi đẻ ra, con dễ bị dị tật như vàng da nhân bởi bất đồng nhóm máu, các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền do nhiễm sắc thể cũng gây ra bại não.
– Không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thường gặp nhất là viêm não do sởi, viêm màng não do lao, viêm não nhật Bản… Điển hình là dịch sởi năm 2014 tái phát đã khiến 100 bé tử vong.
– Lạm dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng: Bổ sung quá nhiều vitamin D, canxi dẫn tới việc khi trẻ sinh ra có hộp sọ quá bé, không có thóp do đã bị liền kín sớm. Một số bà mẹ còn bồi bổ quá nhiều các loại sữa cho bà bầu, lạm dụng thực phẩm chức năng nên khi đẻ ra thai to quá, có những cháu trên 4 kg gây ra đẻ khó, đẻ ngạt.
– Tai nạn: Các tai nạn như đuối nước, ngã từ trên cao, sang chấn, không đội mũ khi tham gia giao thông… cũng có phần làm gia tăng tình trạng trẻ bị bại não.
– Chọn phương pháp mổ đẻ vì muốn có giờ sinh đẹp: Điều này dẫn tới lạm dụng mổ đẻ. Đây cũng là một nguy cơ bởi cuộc đẻ can thiệp là không đúng quy luật tự nhiên.
– Không tiêm đầy đủ vitamin K sau đẻ khiến trẻ bị xuất huyết não. Hiện nay, Bộ Y tế bắt buộc các cơ sở y tế sản khoa phải tiêm đầy đủ vitamin K cho trẻ ngay sau sinh.
Mai Nguyễn (tổng hợp)