Axit benzoic có gây ung thư?

(khoahocdoisong.vn) - Đã xuất hiện thông tin cho rằng thành phần axit benzoic trong tương ớt khi kết hợp với cà chua có khả năng gây ung thư. Vậy chuyên gia thực phẩm nhận xét gì về thông tin này?

Được phép sử dụng ở Việt Nam

Liên quan tới thông tin lô hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu bị dừng lưu thông tại Nhật Bản do ghi nhãn phụ không đầy đủ và có chứa phụ gia axit benzoic, phía Masan phát đi thông báo khẳng định không trực tiếp xuất sang Nhật Bản. Hiện có những cáo buộc Masan không coi trọng sức khoẻ người Việt. Cáo buộc cho rằng, phía Nhật Bản đã cấm phụ gia axit benzoic mà Việt Nam vẫn cho phép và Masan đã sử dụng trong sản phẩm tương ớt?

Tại Việt Nam, phụ gia axit benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và trong Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hằng ngày không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Tức nếu một người có trọng lượng 50kg thì được phép tiêu thụ 0,25g axit benzoic/ngày.

Theo kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu vừa bị thu hồi ở mức 0,41 - 0,45g/kg.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, axit benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex), trong đó, Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm (tại Việt Nam, axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt). Do đó, việc sử dụng chất này không ảnh hưởng đến sức khoẻ ở hàm lượng cho phép. Một chất bị cấm ở Nhật Bản không có nghĩa ở Việt Nam cũng phải cấm bởi cũng có những chất mà các nước khác không cấm, nhưng ở Việt Nam lại cấm.

Kết hợp với vitamin C gây ung thư?

Ngay sau khi thông tin về lô tương ớt Chinsu bị thu hồi thì xuất hiện thêm một bài báo bằng tiếng Anh nói về tác hại của axit benzoic lan truyền trên mạng xã hội. Báo tuoitre.vn cũng đăng thông tin “lo ngại hiện nay của người dân là chất bảo quản axit benzoic kết hợp với vitamin C trong cà chua, trong trái cây nghiền, trong tương ớt... tạo ra benzen gây ung thư”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết chính ông cũng đã đọc bài viết bằng tiếng Anh này. Tuy vậy, bài viết này rất chung chung, không đưa ra được phản ứng cụ thể giữa axit benzoic và vitamin C thì tạo ra chất gì, điều kiện phản ứng như thế nào, nhiệt độ, áp suất, chất xúc tác ra sao... đều không có. Còn với điều kiện thông thường của nhiệt độ và áp suất thì chắc chắn không xảy ra phản ứng, nên không thể nói nó tạo ra benzen gây bệnh ung thư.

Thông thường, từ benzen là một chất mạch vòng 6 cạnh có khả năng gây ung thư, để tổng hợp thành axit benzoic là một quá trình cực kỳ phức tạp. Phản ứng để axit benzoic tạo thành benzen là phản ứng ngược, lại càng phức tạp hơn, do đó không có cơ sở để chúng ta phải lo lắng như thông tin nhiều báo đăng tải.

Benzen thực tế là chất gây ung thư. Khi chúng ta đốt củi lên thì trong khói đó có benzen. Loại thịt người ta hay gác ở bếp để tạo ra thịt hun khói khá phổ biến, trong thành phần nó có benzen nhưng không có nghĩa ăn vào sẽ bị ung thư. Ở hàm lượng rất nhỏ axit benzoic, khi đi vào cơ thể sẽ tự đào thải giống như nhiều loại chất khác, không có gì đáng ngại.

Có trong nhiều thực phẩm khác

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, benzoic là axit nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc. Khi các phân tử axit benzoic khuếch tán vào bên trong tế bào vi sinh vật, nó sẽ tác động lên một số enzym, gây hạn chế sự trao đổi chất, làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, ức chế quá trình oxy hóa glucose và pyruvate.

Đồng thời, nó làm tăng nhu cầu oxy trong suốt quá trình oxy hóa glucose nên có tác dụng ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm. Khả năng chống nấm mốc của axit benzoic cao hơn đối với nấm men và vi khuẩn.

Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong các thực phẩm khác như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng, bánh kẹo.

Đối với con người, khi vào cơ thể, axit benzoic tác dụng với glucocol chuyển thành axit purivic không độc, thải ra ngoài. Liều lượng gây độc ở người là 6mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

Theo Đời sống
back to top