Từ năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân loại thịt chế biến là "chất gây ung thư loại 1" và thịt đỏ là "chất gây ung thư loại 2A".
Theo báo cáo "Chế độ ăn uống, dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh mạn tính" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại thịt đỏ và chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư của con người.
Ăn 50g thịt đỏ và thịt đã qua chế biến mỗi ngày có liên quan đến tăng 18% nguy cơ ung thư ruột, và khi lượng tiêu thụ đạt 100g mỗi ngày, nguy cơ ung thư ruột tăng lên 36%. WHO cho biết, báo cáo này không khuyến cáo mọi người ngừng ăn thịt hoàn toàn mà hãy giảm tiêu thụ.
Các hướng dẫn về chế độ ăn uống khuyến cáo nên kiểm soát lượng tiêu thụ thịt gia súc và gia cầm mỗi ngày, bao gồm cả thịt lợn, nên ở mức 40-75g. Nếu thích ăn gan động vật, bao gồm cả gan lợn, bạn có thể ăn 2-3 lần một tháng, 25g/lần.
Mọi người nên hạn chế nướng, quay, rán thịt. Hãy sử dụng phương pháp nấu ở nhiệt độ thấp, không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Khi chế biến món ăn có thịt lợn, cần kết hợp với các loại rau giàu vitamin C như cải, ớt chuông, mướp đắng… Nhờ vậy sẽ thúc đẩy hấp thu sắt, cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn quá nhiều thịt lợn.
Các sản phẩm chế biến như thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích không chỉ chứa hàm lượng muối cao mà trong quá trình sản xuất còn sản sinh ra nhiều loại chất gây ung thư như hydrocacbon thơm đa vòng, nitrosamine… Giá trị dinh dưỡng của thịt lợn khi nấu như trên cũng bị giảm sút.