Amip ăn não người tồn tại khắp nơi

Mới đây khoahocdoisong.vn đăng tải về loại amip ăn não người khủng khiếp, có thể xâm nhập vào não bộ dẫn tới viêm và chết não khiến nhiều người lo sợ. Loại amip này cũng đã gây tử vong cho hai người Việt Nam. Thực tế còn có nhiều loại amip gây nguy hiểm không kém.

Ảnh minh họa.

Amip tồn tại ở khắp mọi nơi

Trao đổi với ThS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ về loại amip ăn não người- Naegleria fowleri đang gây hoang mang lo lắng cho người dân, ThS Hà cho biết, Naegleria fowleri đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ khi những ca tử vong vì nó liên tiếp xảy ra, người dân mới giật mình lo sợ vì mức độ nguy hiểm của loại ký sinh trùng này. Nó có thể sống trong tất cả các môi trường nước ngọt, ấm: ao hồ, đầm lầy, sông suối, vũng nước lớn, hồ bơi…, nhiệt độ khoảng 46 độ C. Loại ký sinh trùng này sinh sôi nhiều vào mùa hè nắng nóng khi nhiệt độ nước ấm dần lên.

Ở Việt Nam, những suối nước nóng được nghĩ rằng tốt cho sức khỏe cũng là môi trường thích hợp cho amip “ăn não người” sinh sống vì ở hạ lưu nước thường ấm. Tuy nhiên, chỉ khi bị sặc, bị ngộp trong nước amip mới xâm nhập vào được và bệnh cũng không lây từ người sang người.

Theo ThS Nguyễn Hồng Hà, amip ăn não người từ môi trường nước xâm nhập vào cơ thể con người qua niêm mạc mũi vào hệ thống xoang rồi xâm nhập lên não. Khi vào não, vi trùng bắt đầu phá hủy và ăn tế bào não, tấn công hệ thống thần kinh của con người. Tỷ lệ tử vong ở những trường hợp nhiễm bệnh rất cao 98 – 99%. Ở TP HCM năm 2012 đã ghi nhận hai ca bị amip này tấn công và tử vong. Triệu chứng của bệnh giống với viêm não thông thường: Đau đầu, hôn mê, co giật…nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Xét nghiệm định danh khó, bệnh nặng và thuốc đáp ứng chậm là nguyên nhân tử vong.

GS.TS Nguyễn Văn Đề, Nguyên trưởng Bộ môn ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết,  amip ăn não người có rất nhiều vì amip tồn tại ở môi trường nước bẩn, có ở khắp mọi nơi. Bệnh do amip không phải là hiếm. Thực tế có rất nhiều bệnh nhân bị amip tấn công trong đó chủ yếu là ở ruột, ở gan và số ít ở mắt, não. Đây là loại ký sinh trùng có khả năng tấn công vào não người và ăn thịt dần các tổ chức tế bào não. Theo số liệu điều tra dịch tễ, tỷ lệ nhiễm amip từ 2 đến 6%. Nhiều ca amip ăn não đã được điều trị tại Viện sốt rét ký sinh trùng TƯ thành công. Mỗi năm bệnh viện Mắt TƯ cũng ghi nhận 4 – 5 ca.

Nhiều loại amip nguy hiểm

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, người ta thường dùng từ amip để chỉ chung những đơn bào thuộc lớp chân giả. Amip ký sinh ở người có nhiều loại. Khi amip vào ruột người gây là bệnh lỵ amip ở ruột gây chảy máu và bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh biếng ăn, mất ngủ dẫn đến giảm sút thể trạng nhanh chóng. Bệnh lỵ amip gây hội chứng lồng ruột hay bán lồng ruột do sẹo các dây chẳng làm co thắt đại tràng. Bệnh lỵ do amip nặng amip sẽ xâm nhập sâu vào thành ruột có thể gây thủng ruột…

Ngoài ra, bệnh amip gan gây viêm gan do amip và áp xe gan rất nguy hiểm. Bệnh amip cũng gặp ở phổi, não, cơ, xương gây nên những tác hại nghiêm trọng. Theo Viện Sốt rét ký sinh trùng TƯ, có 5-10% dân số mang ký sinh trùng amip trong cơ thể. Bệnh sẽ khởi phát khi người mắc giảm sức đề kháng khiến đường ruột yếu đi, amip sẽ theo đường máu tấn công gây áp xe gan, áp xe não…

Để phòng amip nói chung, phải ăn chín, uống sôi vì ký sinh trùng amip có trong tất cả các loại rau nếu rau đó được tưới bằng phân hoặc nước nhiễm amip; Không tắm ở ao hồ bẩn, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

“Để phòng tránh amip ăn não người trong nước: Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao. Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi.  Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời” – ThS Nguyễn Hồng Hà

Thúy Nga

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top