90% đột quỵ não có thể phòng ngừa được

Tại Việt Nam, đột quỵ não là một trong số những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất, ảnh hưởng hơn 200.000 người mỗi năm.

Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện ĐK Tâm Anh TPHCM), di chứng của đột quỵ não rất nhiều và nặng nề trên sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

kham-benh-cho-benh-nhan-tim-mach.jpg
Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện ĐK Tâm Anh TPHCM), 90% đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ mạch máu như huyết áp, chế độ ăn, hoạt động thể lực và bỏ thuốc lá.

Bao gồm hôn mê, liệt nửa người, suy giảm trí nhớ, rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ, tử vong…

Các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não thường gặp là xơ vữa động mạch mạch máu lớn nội sọ hoặc ngoài sọ, xơ vữa động mạch chủ; rung nhĩ; bệnh van tim; huyết khối tim; bệnh cơ tim; ung thư...

Tái phát của đột quỵ não khá cao, chiếm khoảng 25% số ca đột quỵ mỗi năm. Các tổn thương não do đột quỵ tái phát thường nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn và rất khó phục hồi như ban đầu.

Cập nhật phòng ngừa đột quỵ 2021 cho thấy, bệnh nhân sau hồi phục đột quỵ sẽ được điều trị dự phòng tái phát bằng các thuốc trong vòng 30 ngày đến 3 tháng sau cơn đột quỵ.

Yếu tố nguy cơ mạch máu trong đột quỵ não rất quan trọng nên cần phòng ngừa. Người bệnh có các bệnh nền như đái tháo đường, lipid máu, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, thừa cân - béo phì hay tăng huyết áp phải được điều trị và uống thuốc kiểm soát bệnh.

Các chuyên gia tim mạch cũng đưa ra khuyến cáo về một chế độ ăn lành mạnh cho các mạch máu và giảm nguy cơ đột quỵ.

Đó là chế độ ăn dựa trên thực phẩm có nguồn gốc thực vật, như ngũ cốc nguyên hạt, rau, các loại đậu, trái cây, quả hạch và dầu oliu.

Cá, hải sản, sữa và gia cầm... ăn vừa phải. Thịt đỏ và đồ ngọt chỉ thỉnh thoảng được ăn.

Chế độ ăn nhạt, với 1g muối/ngày là một trong những biện pháp phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là phòng tránh đột quỵ.

Đối với vận động thể lực, các bác sĩ khuyên nên tập đều đặn với cường độ tập tối thiểu 10 phút x 4 lần/tuần lễ. Những người ngồi bàn giấy nhiều giờ, cứ mỗi 30 phút nên vận động 3 phút.

Những người có tiền sử tim mạch hay nguy cơ đột quỵ được khuyến nghị nên loại bỏ hoàn toàn hoặc cắt giảm mức tiêu thụ rượu bia xuống càng thấp hơn đơn vị chuẩn càng tốt. Đơn vị chuẩn là 2 đơn vị rượu bia/ngày đối với nam và 1 đơn vị rượu bia/ngày đối với nữ.

Bên cạnh đó, cần phải bỏ thuốc lá để giảm các tổn thương mạch máu như gây tắc hẹp.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh nhấn mạnh, 90% đột quỵ có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ mạch máu như huyết áp, chế độ ăn, hoạt động thể lực và bỏ thuốc lá.

Theo Đời sống
back to top