Tại hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt”, ông Nghĩa cho biết, có 84% người tiêu dùng cho biết đã lên kế hoạch hạn chế dùng tiền mặt. Và sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. Hơn 70% người tiêu dùng đã trải nghiệm không dùng tiền mặt và sử dụng các hình thức thanh toán số.
Thậm chí, có hơn 20% số người không dùng tiền mặt trong khoảng thời gian ít nhất một tháng.
Đại dịch COVID-19 đã tác động tích cực đến thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại. Số lượng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, dịch bệnh khiến tỷ trọng khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng trong hệ thống siêu thị của Saigon Co.op tăng lên 40%, gấp 10 lần so với trước dịch.
Tuy nhiên, tăng trưởng không dùng tiền mặt trên chưa bền vững. Sau khi mở cửa trở lại, tỷ lệ trên tại Saigon Co.op giảm xuống còn 10%, nhưng vẫn tăng 6% so với trước dịch.
"Sự thay đổi cho thấy thách thức để thói quen thanh toán không tiền mặt còn rất nhiều và cũng phản ánh tiền mặt trong dân… còn rất lớn”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.
Thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng rất mạnh mẽ, tới 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị. Thanh toán qua Internet cũng tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.