7 sự thật thú vị về J. Robert Oppenheimer - "cha đẻ" của bom nguyên tử

Dù tạo ra vũ khí "cần thiết" kết thúc chiến tranh, phá hủy hoàn toàn hai thành phố, mở ra kỷ nguyên mới, Julius Robert Oppenheimer phản đối phổ biến hạt nhân trong suốt phần đời còn lại.

Xuất thân

Bom nguyên tử được xem là vũ khí nguy hiểm nhất mà con người đã sáng chế ra từ trước cho đến nay. Nguyên do là vì vũ khí này có sức hủy diệt lớn khiến nhiều người thương vong và gây ảnh hưởng lâu dài đối với con người và môi trường.

Người sáng tạo ra bom nguyên tử là nhà khoa học Julius Robert Oppenheimer (1904 - 1967). Ông là người đứng đầu dự án Manhattan - dự án nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử của Mỹ năm 1942.

Chào đời ở thành phố New York năm 1904, Julius Robert Oppenheimer là con trai của một người nhập cư Đức gốc Do Thái trở nên giàu có nhờ buôn vải vóc nhập khẩu. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Harvard chỉ sau 3 năm học, sau đó nghiên cứu vật lý lý thuyết ở cả Đại học Cambridge, Anh và Đại học Göttingen, Đức, nơi ông lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 23.

Nhà khoa học Julius Robert Oppenheimer.

Nhà khoa học Julius Robert Oppenheimer.

Một thần đồng và một người nói đa ngôn ngữ

Oppenheimer sở hữu một niềm khao khát mãnh liệt đối với những thử thách trí tuệ và có khả năng tiếp thu thông tin siêu việt. Chính niềm đam mê bất tận với tri thức đã giúp ông thông thạo sáu thứ tiếng, bao gồm tiếng Hy Lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan và tiếng Phạn cổ của Ấn Độ.

Trong thời gian còn là sinh viên tại Đại học Harvard, Oppenheimer đã đạt thành tích xuất sắc trong nhiều môn học khác nhau. Năng khiếu về tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, cùng với sự thành thạo về vật lý và hóa học, đã cho thấy khả năng học hỏi đáng nể của Oppenheimer. Từ năm 7 tuổi, ông đã thể hiện niềm say mê với pha lê vì cấu trúc và tương tác của chúng với ánh sáng phân cực. Sự thông minh vượt trội của Oppenheimer đã thu hút sự chú ý của các thành viên Câu lạc bộ Khoáng vật học New York và họ đã mời ông tham dự một buổi hội thảo khoa học khi ông chỉ mới 12 tuổi.

Người đầu tiên đề xuất về sự tồn tại của hố đen

Niềm khát khao mãnh liệt của Oppenheimer trong việc theo đuổi tri thức đã đưa ông đến những khám phá khoa học vĩ đại hơn. Những đóng góp của ông cho vật lý thiên văn bao gồm cả những dự đoán mang tính đột phá về các vật thể vũ trụ. Dự đoán đáng chú ý nhất của ông là vào năm 1939 khi ông đồng thực hiện một bài báo có tựa đề Về sự co lại hấp dẫn liên tục (On Continued Gravitational Contraction), nêu dự báo về sự tồn tại của lỗ đen. Ban đầu, bài báo này đã không được chú ý, nhưng sau này, nó đã được các nhà vật lý tìm lại và họ đã nhận ra tầm nhìn xa của Oppenheimer, giúp ích cho việc tìm hiểu các thực thể bí ẩn này.

Các bài báo đã được xuất bản của Oppenheimer đi sâu vào các hiện tượng vũ trụ chưa được khám phá. Một trong những nghiên cứu đó tập trung vào các sao lùn trắng – tàn tích của những ngôi sao đã chết. Oppenheimer đã tính toán các tính chất của chúng, làm sáng tỏ bản chất của những thiên thể dày đặc và phát sáng này. Ngoài ra, ông đã khám phá giới hạn khối lượng lý thuyết của các sao neutron, là tàn dư cực kỳ dày đặc của các ngôi sao đã phát nổ.

Oppenheimer có đời sống tình cảm khá phức tạp

Mặc dù có tính cách nhút nhát và vô cùng bận rộn với khoa học, song Oppenheimer có đời sống tình cảm khá phức tạp. Theo đó, ông có tình cảm với một bác sĩ tâm lý là Jean Tatlock khi cả hai gặp gỡ vào năm 1936, lúc đó Jean còn là một sinh viên mới tốt nghiệp và Oppenheimer là giáo sư vật lý tại Đại học Berkeley.

Mặc cho chuyện tình cảm sâu nặng, Oppenheimer sau đó đã qua lại với nhà báo Kitty Harrison khi cô đã kết hôn với bác sĩ Richard Harrison. Sau khi Kitty mang bầu, cô ly hôn với chồng và kết hôn với Oppenheimer. Trong suốt cuộc hôn nhân của họ, Oppenheimer được cho là vẫn tiếp tục ngoại tình với Jean Tatlock cũng như một giáo sư, nhà tâm lý học khác là Ruth Sherman Tolman, vợ của Richard Chace Tolman - một trong những người làm việc trong Dự án Manhattan của Oppenheimer.

Ba lần được đề cử giải NOBEL

Mặc dù những thành tựu khoa học của Oppenheimer khiến người đời gọi ông là “cha đẻ của bom nguyên tử” và giúp ông được đề cử giải Nobel Vật lý ba lần vào năm 1945, 1951 và 1967, ông chưa bao giờ được vinh danh tại giải thưởng danh giá này. Điều thú vị là 18 đồng nghiệp của Oppenheimer từ Dự án Manhattan ở Los Alamos đều được trao giải Nobel, khiến ông suy ngẫm khá nhiều về hiện thực phũ phàng này.

Oppenheimer dành phần lớn cuộc đời để kêu gọi ngăn chặn vũ khí hạt nhân

Phản đối Mỹ phát triển bom nhiệt hạch mạnh hơn. Theo ông, Mỹ nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và theo đuổi những ứng dụng khác của công nghệ hạt nhân như sản xuất năng lượng.

Oppenheimer không bao giờ quay lại làm việc cho chính phủ, thay vào đó ông thành lập Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thế giới, tham gia giảng dạy khoa học cho tới khi qua đời năm 1967.

Qua đời vì ung thư

Mặc dù ông đã trải qua các cuộc thử nghiệm hạt nhân, Oppenheimer lại qua đời vì thói quen của mình – hút thuốc lá liên tục. Ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng và qua đời tại nhà riêng ở New Jersey vào năm 1965, hưởng thọ 62 tuổi. Cái chết của Oppenheimer đánh dấu sự kết thúc của một cuộc đời lẫy lừng với những thành tựu khoa học nổi bật, những đóng góp trí tuệ và những tác động đáng kể đến ngành vật lý và nghiên cứu hạt nhân.

Theo Đời sống
back to top