7 cây thuốc Nam hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp

(khoahocdoisong.vn) - Theo Đông y, bệnh tật phát sinh từ sự thiếu cân bằng âm - dương, nếu trong cơ thể nhiệt, dễ gây tích nhiệt, gây viêm sưng nặng hơn, chọn vị thuốc giải nhiệt mát huyết là giúp cơ thể điều hòa, ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Xin giới thiệu 7 cây thuốc Nam tiêu biểu hỗ trợ phòng trị chứng viêm đường hô hấp.

Tang diệp (lá dâu) vị ngọt đắng tính hàn. Tác dụng giải biểu thanh nhiệt, hạ sốt, mát can sáng mắt, hóa đờm cầm ho, dùng chữa cảm phong nhiệt, ôn dịch, sốt nhẹ sơ khởi, phế nhiệt ho khan, đàm vàng. Dùng ngày 20 - 40g khô sắc uống, tươi nhiều hơn. Nếu sốt ho, đau đầu, phối hợp cúc hoa, liên kiều, cát cánh, hạnh nhân, bạc hà, cam thảo.

Kiêng kỵ: Chứng cảm phong hàn, ho xổ mũi, đàm loãng, chứng huyết hàn sợ lạnh, da xanh mét.

Kim ngân hoa: Vị ngọt nhạt, tính mát, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, tài liệu gần đây cho biết kim ngân hoa có công dụng kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, giải nhiệt, trừ nội độc tố, tăng hệ miễn dịch, dùng chữa ôn dịch phát sốt, ho khan, ho cơn do phế nhiệt, huyết nhiệt nóng bứt rứt, phát ban. Dùng 20 - 40g sắc hoặc phối hợp vị thuốc khác. Chữa ôn bệnh, phát sốt, viêm đường hô hấp thêm liên kiều 40g, cát cánh 14g, trúc diệp 20g, kinh giới 16g, đạm đậu xị 20g, ngưu bàng tử 24g, bạc hà 12g, cam thảo 4g, sắc uống ngày 1 thang.

Kiêng kỵ: Chứng sốt cao đột ngột “thoát dương”, tay chân giá lạnh, mồ hôi đầm đìa.

Cỏ mực (hạn liên thảo): Vị chua ngọt, tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, cầm huyết, giải độc, dùng chữa ôn bệnh, nóng sốt, các chứng do huyết nhiệt, chứng âm huyết hư, hỏa nghịch gây xuất huyết.  Dùng khô 30 - 40g, (nếu dùng tươi nhiều gấp 3 khô), sắc uống hoặc phối hợp vị thuốc khác. Nếu sốt cao kéo dài phối hợp đậu đen 40g, cát căn, rau má, lá tre, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12 - 18g sắc uống ngày 1 - 2 thang.

Kiêng kỵ: Huyết hư, nội hàn, người sợ lạnh, đang lạnh bụng, đầy bụng, tiêu lỏng.

Xuyên tâm liên (khổ đởm thảo): Vị đắng tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống, dùng trị chứng ôn bệnh sơ khởi, phế nhiệt ho suyễn, đau họng, nội nhiệt tiểu vàng, nổi ung nhọt, các chứng do hỏa độc, nhiệt độc gây ra. Ngày dùng 10 - 15g sắc uống hoặc phối hợp vị thuốc khác.  Nếu sốt đau đầu kết hợp với kim ngân hoa, cúc hoa, ngưu bàng tử, mỗi vị 14 - 18g. Nếu ho do phế nhiệt kết hợp với ngư tinh thảo 16g, cát cánh 14g, mạch môn 14g, bách bộ 14g sắc uống.

Kiêng kỵ: Tỳ vị hư hàn, chứng không thực nhiệt không nên dùng.

 Diệp hạ châu: Vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, dùng chữa ôn dịch nóng sốt, ho đau đầu, nhức mỏi, đau họng, viêm nhiễm, huyết nhiệt, xuất huyết răng mũi miệng, nóng bứt rứt. Dùng cây khô 20 - 30g, tươi nhiều hơn sắc uống hoặc phối hợp vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Chứng ôn bệnh giai đoạn hết sốt, da tái mét tay chân lạnh vã mồ hôi thoát dương.

Bồ công anh nam (rau diếp dại): Vị hơi đắng, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hóa thấp, tiêu viêm, dùng chữa ôn dịch sốt cao, phế nhiệt ho khan, chứng mụn nhọt do huyết nhiệt. Dùng ngày 20 - 30g khô sắc uống hoặc phối hợp vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Giai đoạn sốt lui, người sợ lạnh, các chứng huyết hư hàn, da xanh mét.

Ngư tinh thảo (diếp cá): Có vị cay, tính lạnh. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng, chữa ôn bệnh sốt ho, phế nhiệt ho khan, các chứng ung nhọt do nhiệt tích kết, táo bón tiểu gắt. Dùng ngày 20 - 30g khô, tươi gấp 3 lần khô sắc uống hoặc phối hợp vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Chứng phế hàn ho đàm loãng, chứng tỳ vị hàn, lạnh bụng tiêu chảy.

Trên đây là 7 cây thuốc Nam quý tiêu biểu hỗ trợ chữa chứng ôn dịch giai đoạn (tà phần vệ) biểu hiện sốt ho, khó thở, ớn lạnh, mệt nhức mỏi, cũng như (tà phần khí) sốt cao không sợ lạnh không ra mồ hôi, miệng khô khát, mạch hồng sác. Tuy nhiên, các vị trên không phải thuốc bổ dưỡng nguyên khí, vậy nên người sốt kéo dài, sợ lạnh, huyết áp tụt, sốt cao đột ngột, mồ hôi đầm đìa, tay chân giá lạnh thoát dương  không nên dùng vì đây là giai đoạn cần ôn bổ trợ giúp dương khí, không nên dùng thuốc thanh nhiệt tà.

Lương y Nguyễn Minh Phúc (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top