4 cách phòng tránh cước tay chân mùa lạnh

Vào mùa lạnh, một số người sẽ thường bị sưng đỏ, đau ngứa tại các đầu ngón tay, ngón chân và tạo nên cảm giác rất khó chịu. Hiện tượng này dân gian gọi là cước tay chân, còn theo thuật ngữ y học hiện đại thì đây là tình trạng dị ứng thời tiết tại chỗ.

Vì sao hiện tượng cước tay chân lại xảy ra vào mùa đông?

Cước tay chân là loại bệnh dễ xuất hiện vào mùa đông do nhiệt độ xuống thấp, môi trường lạnh giá. Lúc này, các mạch máu ngoại vi nằm dưới lớp da mỏng ở đầu ngón tay, ngón chân do không được giữ ấm nên sẽ bị co lại, khiến cho quá trình tuần hoàn máu diễn ra chậm chạp.

Nếu như được làm ấm đột ngột, các mạch máu ngoại vi này sẽ bị vỡ ra, làm cho vùng da ở đầu ngón tay, ngón chân bị tổn thương và biểu hiện là sự sưng tấy đỏ, ngứa ngáy, lâu ngày có thể dẫn đến hoại tử.

4 cách phòng tránh cước tay chân mùa lạnh ảnh 1

Đầu ngón chân sưng tấy đỏ do cước. Ảnh minh họa.

Bệnh nhân bị cước tay chân sẽ cảm thấy đau đớn và khó chịu ở các vùng da bị tổn thương. Tình trạng thâm tím khi nhúng vào nước lạnh và ngứa ngáy khi được ủ ấm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh. Ngoài vị trí tổn thương thường gặp là đầu ngón tay, đầu ngón chân thì tình trạng cước còn có thể xảy ra ở tai và mũi.

Ngoài ra, những người có tuần hoàn máu kém cũng rất dễ bị cước tay chân. Biểu hiện là thường xuyên bị lạnh tay chân ngay cả trong thời tiết ấm áp. Việc tuần hoàn máu kém sẽ khiến các vùng xa tim (đầu ngón tay, đầu ngón chân) không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, dẫn tới dễ bị tác động bởi nhiệt độ.

Cách phòng tránh bệnh cước tay chân hiệu quả

1. Luôn giữ ấm tay chân: Trong cơ thể người, chân là nơi tập trung rất nhiều huyệt đạo. Do vậy, đây là nơi cần được chú trọng giữ ấm nhất mỗi khi nhiệt độ xuống thấp. Bởi nếu đôi chân bị nhiễm lạnh thì cơ thể sẽ bị mất nhiệt nhanh chóng. Từ đó gây nên tình trạng bị cước và nặng hơn là viêm khớp, viêm phổi.

Để phòng tránh bệnh cước chân mùa lạnh, mọi người cần đi tất để giữ ấm đôi chân mỗi khi ra ngoài. Thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm có pha muối và gừng vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc massage chân bằng dầu nóng để tăng nhiệt độ cho cơ thể vào những ngày giá rét.Bạn cần lưu ý là phải thay tất chân thường xuyên để tránh bị nấm chân.

Ngoài ra bạn cũng cần giữ ấm cho đôi bàn tay bằng cách đeo bao tay mỗi khi đi ra ngoài. Xoa tinh dầu ô liu hoặc các sản phẩm dưỡng da tay khác để chống nẻ da, từ đó hạn chế việc bị cước tay hiệu quả.

4 cách phòng tránh cước tay chân mùa lạnh ảnh 2

Luôn giữ ấm chân tay để phòng tránh cước. Ảnh minh họa.

2. Hạn chế tiếp xúc với chất tẩy rửa: Ngoài việc giữ ấm cho đôi bàn tay thì chị em phụ nữ cần lưu ý là nên hạn chế cho tay tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hay các chất tẩy rửa. Khi giặt quần áo, phơi đồ, rửa chén hay dọn dẹp nhà cửa, chị em nên đeo loại găng tay cao su dày để không bị lạnh. Khi tắm thì nên dùng nước ấm cùng các sản phẩm dưỡng da dịu nhẹ, lành tính, có thành phần dưỡng ẩm.

3. Không nên gãi: Gãi nhiều sẽ khiến làn da bị tổn thương, nhất là trong trường hợp bạn bị cước tay chân. Bên cạnh đó, việc gãi còn có thể làm da bị viêm nhiễm, gây nên các thương tổn và khiến tình trạng bị cước trở nên nghiêm trọng hơn. Tốt nhất là bạn chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng da bị cước để tránh nguy cơ bị trầy xước, bong tróc da.

4. Chú ý về chế độ thực phẩm: Lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Vào những ngày trời lạnh, ngoài việc giữ ấm cơ thể thì bạn còn phải chú ý về chế độ ăn uống. Cần bổ sung các thực phẩm có tác dụng sản sinh nhiệt lượng, giúp cơ thể chống lại thời tiết giá lạnh khắc nghiệt như chất béo, tinh bột hay gia vị cay nóng.

4 cách phòng tránh cước tay chân mùa lạnh ảnh 3

Sử dụng các loại gia vị có tính cay nóng giúp phòng tránh cước hiệu quả. Ảnh minh họa.

Với một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt gà, rượu bia… thì bạn cần phải thận trọng khi sử dụng. Bởi chúng có thể gây sưng, ngứa và làm cho da bị phù nề, tổn thương nghiêm trọng hơn. Chưa kể việc uống nhiều bia rượu còn có thể khiến cho cơ thể bị mất nhiệt nhiều hơn trong những ngày lạnh.

Ngoài ra bạn cũng nên tăng cường sử dụng các loại rau sạch và trái cây tươi giàu vitamin để tăng lượng hồng cầu trong máu. Chúng sẽ giúp nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng, đồng thời loại bỏ các bệnh thường gặp vào đông như bệnh cước tay chân.

MT (tổng hợp)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top