10 đoàn tàu metro Hà Nội “đẳng cấp châu Âu” xịn sò mức nào?

Mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng gần 1 năm qua, đối tác Pháp đã hoàn thành 10 đoàn tàu metro dự án đường sắt Hà Nội. Các kỹ sư đang gấp rút hoàn thành việc lắp đặt và các công đoạn cho mục tiêu chạy thử nghiệm vào tháng 12 tới.
nhon-ga-ha-noi.jpg

Công nghệ hiện đại tiên tiến

Theo báo cáo từ liên doanh dự án Alstom – Thalès – Colas Rail đối tác Pháp, công nghệ sản xuất 10 đoàn tàu là công nghệ metro hiện đại nhất, Pháp và các nước châu Âu hiện đang sử dụng. 1/4 hệ thống Metro trên thế giới sử dụng công nghệ này. Công nghệ này giúp đoàn tàu tiêu thụ năng lượng thấp bằng 1/3 so với xe buýt, 25% so với ô tô cá nhân.

Về hình thức, 10 đoàn tàu được nhà sản xuất liên danh Alstom Pháp thiết kế riêng theo đặt hàng của Việt Nam. Phần đầu tàu có biểu tượng Khuê Văn Các tượng trưng cho văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Các toa tàu phối màu trắng, hồng, xanh lá mạ, đỏ, mang ý nghĩa “hành trình xanh”. Các màu sắc này được lấy cảm hứng từ trái thanh long và cây lúa, những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Việt Nam được thế giới yêu thích. Thân tàu làm bằng vật liệu hợp kim nhôm, trọng lượng nhẹ, bền, thân thiện với môi trường.

Về nội thất, các toa tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Mỗi toa đều có hệ thống phát thanh, camera cảm biến phát hiện khói, lửa, chống cháy, hệ thống thông gió, điều hòa không khí, đèn LED thông minh tự điều chỉnh ánh sáng khi đi qua các đoạn ngầm... Tàu được thiết kế sàn thấp để tiện lợi cho hành khách lên xuống kéo vali hành lý hay phải người khuyết tật di chuyển bằng xe lăn. Các toa tàu được thiết kế khu vực ưu tiên dành riêng cho trẻ em, người khuyết tật, người già, phụ nữ.

Về kỹ thuật, mỗi đoàn tàu gồm 3 toa động cơ và 1 toa kéo, sử dụng động cơ xoay chiều 3 pha. Đoàn tàu sử dụng công nghệ sức kéo với điện áp thấp một chiều 750 VDC. Hệ thống phanh hãm sử dụng tính năng hãm tái sinh nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm chi phí bảo trì lâu dài.

noi-that-metro2.jpg

Gần như không gây ô nhiễm

Ông Trương Quốc Toàn, nguyên Trợ lý Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cho biết, 10 tàu metro Alstom thiết kế sử dụng công nghệ EMU (tàu điện động lực phân tán). Công nghệ này được sử dụng rất phổ biến trên thế giới cho mạng lưới đường sắt đô thị hoặc kết nối các đô thị vệ tinh nhờ ưu điểm tăng tốc nhanh và gần như không gây ô nhiễm.

Công nghệ EMU giúp tàu chạy ít tiếng ồn hơn so với các tàu hỏa diesel động lực phân tán và tàu hỏa động lực tập trung thông thường. Tàu điện động lực phân tán có thể phục vụ được muộn hơn vào buổi đêm và chạy với tần suất dày đặc hơn mà không làm ảnh hưởng đến dân cư sinh sống quanh tuyến đường sắt.

Trong trường hợp chạy ngầm, việc thiết kế đường hầm cho chúng cũng đơn giản hơn vì không cần thiết phải giải quyết vấn đề khí thải của tàu. Tải trọng của đoàn tàu cũng nhẹ hơn do không cần đầu máy nên giảm thiểu được chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng.

ThS.KS Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay, khi đi vào vận hành thương mại chính thức, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ vận hành liên tục 8 đoàn tàu. Hai đoàn tàu còn lại dùng để dự phòng cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp và dự bị phục vụ giờ cao điểm nếu có tình trạng quá tải xảy ra. Đoàn tàu chở tối đa 1.124 người, với mật độ khoảng từ 6.6 - 8 người/m2. Tàu có tốc độ thiết kế tối đa 80km/h nhưng dự kiến khai thác tốc độ thương mại tại Hà Nội là 35km/h.

Hiện MRB đã làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để đăng kiểm các đoàn tàu theo quy định. MRB cũng đã cung cấp các hồ sơ cho bên tư vấn giám sát để thực hiện đánh giá an toàn toàn hệ thống.

Theo MRB, tổng mức đầu tư cho 10 đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội khoảng 110 triệu Euro. Tính đến năm 2021, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội là 34.437 tỷ đồng, được phân bổ cho 4 dự án, bao gồm: Tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên): 2.103 tỷ đồng; tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo): 974 tỷ đồng; tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông): 15.749 tỷ đồng và tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội): 15.611 tỷ đồng.

Theo Đời sống
Vì sao chậm thương mại hóa 5G?

Vì sao chậm thương mại hóa 5G?

Bộ TT&TT đã cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Tắt sóng 2G và thương mại hóa 5G là xu hướng “không thể tránh khỏi” khi đến nay mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước và thử nghiệm 5G đang ngày càng mở rộng.
back to top