Trong y học cổ truyền Việt Nam, xương rồng ông dùng trong nhiều bệnh. Axit fumaric chiết từ xương rồng ông, phối hợp với axit succinic có tác dụng kháng khuẩn đồng thời cũng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Nhựa xương rồng ông có tác dụng tẩy và nôn rất mạnh. Nhựa xương rồng ông còn có tác dụng kháng khuẩn mạnh, nhưng vì độc, nên người ta chỉ dùng ngoài và phải do các lương y có kinh nghiệm dùng. Nhựa gây kích ứng ở mắt rất nặng, nếu bắn vào mắt có thể bị mù.
Để chữa ngã sưng đau dùng 30g cành, cắt nhỏ, sao cháy đen, đổ nửa nước nửa rượu sắc uống. Chữa xơ gan cổ trướng dùng nhựa mủ hòa bột gạo viên bằng hạt đậu xanh, uống 1 - 2 viên, cho tiêu chảy vừa chừng là được. Bài thuốc này phụ nữ có thai tuyệt đối không dùng. Chữa đau lưng lấy cành non, cạo bỏ gai, giã nát, xào nóng, chườm đắp vào chỗ đau rồi nằm ngửa để thuốc ngấm. Những người bị đau răng, sâu răng dùng 50g cành, cạo bỏ gai, nướng chín vàng hoặc vùi tro nóng trong 1 - 2 giờ, giã nát với ít muối, ép lấy nước, ngậm 10 phút rồi nhổ (không được nuốt), sau đó súc miệng. Ngày ngậm 3 - 4 lần, sau đó súc miệng sạch. Để chữa báng, người ta lấy bồ hóng, men rượu tỷ lệ 3:1, cho nhựa xương rồng ông vào nhào thành bột nhão, làm viên bằng hạt ngô, ngày uống 1 - 3 viên, uống ngày 3 lần, khi đi ngoài trắng như nước gạo là khỏi. Vì xương rồng ông độc nên dân gian chủ yếu dùng xương rồng ông chữa các bệnh bên ngoài, chữa sâu nhức răng và chỉ người có kinh nghiệm mới nên dùng.
Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)