Xưng hô ông bà hay bố mẹ khi đã có con?

Nhiều người vẫn thường xuyên gọi bố mẹ mình là ông bà khi đã có con. Nhưng theo nhiều người, cách xưng hô này khi không có mặt con của họ sẽ không đúng với mối quan hệ, có thể hiểu là mối quan hệ xã hội. Vì thế, hãy thay đổi cách nghĩ và xưng hô giúp tình cảm gia đình gắn kết hơn.

Có phải ông bà của cô đâu mà gọi là ông bà!

Bà Nguyễn Thị Thìn (Hà Nội) năm nay 75 tuổi, ba người con của bà đều đã có gia đình và sinh con. Trước đây các con thường gọi ông và bà là bố mẹ, nhưng sau này khi có con họ đổi cách gọi là ông bà.

Nên xưng hô ông bà hay bố mẹ khi đã có con?

Bà chia sẻ, cách gọi ông bà cũng có thể chấp nhận nhưng trong thâm tâm bà vẫn có những suy nghĩ riêng. Ví như, khi có mặt các cháu, các con của bà gọi “ông bà” thì coi như xưng hô hộ các cháu. Nhưng khi không có cháu, cách xưng hô ông bà khiến bà Thìn chạnh lòng. Bà muốn các con gọi bằng bố mẹ sẽ tình cảm hơn.

 “Tùy vào hoàn cảnh, người lớn tuổi ở bậc bố mẹ sẽ luôn có sự linh hoạt để đón nhận những cách xưng hô sao cho phù hợp. Nhưng chúng tôi vẫn luôn hướng đến sự quan tâm, gần gũi, tình cảm của con cháu dành cho mình. Nhất là con mình đẻ ra, chăm sóc từng ngày nên sau khi con lập gia đình và quan tâm lại mình khiến chúng tôi rất cảm động. Và cách xưng hô là một biểu hiện của tình cảm đó. Đã có lần tôi bảo con: Chúng tôi là bố mẹ cô chứ có phải ông bà cô đâu mà gọi là ông bà!”, bà Nguyễn Thị Thìn cho hay.

PGS. TS Lê Ngọc Văn, Viện Gia đình và giới, khi có mặt cháu, con cái gọi bố mẹ là ông bà như cách gọi thay cho con của họ có thể chấp nhận. Nhưng khi không có mặt nên gọi là bố mẹ thì tình cảm hơn, tạo dựng mối quan hệ tốt hơn.

Cụ thể, vị chuyên gia cho hay, nếu như tiếng Anh có ngôi tôi hay anh/chị thì tiếng Việt có sự độc đáo và linh hoạt hơn. Và cách xưng hô trong gia đình luôn thể hiện sắc thái tình cảm. Như trong trường hợp này gọi bố mẹ sẽ tình cảm hơn ông bà. Nếu gọi ông bà lúc không có cháu là cách gọi theo thói quen, trung tính, không thực sự thể hiện đúng mối quan hệ ứng xử, chức danh trong gia đình.

Cần thay đổi cả hai phía

Phân tích thêm, PGS.TS Lê Ngọc Văn cho hay, nếu để soi xét thì từ ông bà có thể là cách gọi xã hội, như chúng ta hay bảo, ông này hay nói trên ti vi, bà này hay gặp ở chợ… Bởi đây là ngôn ngữ trung tính, không thể hiện rõ mối quan hệ. Trong khi bố mẹ là ngôn ngữ biểu cảm, thể hiện đúng mối quan hệ và tình cảm trong đó.

Vì thế, trong nhiều trường hợp bố mẹ và con cái không hòa hợp, con cái thay vì gọi tình cảm là bố mẹ thì lại dùng ông bà.

Xưng bố mẹ và con mới thể hiện đúng mối quan hệ và tình cảm.

Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, bố mẹ đôi khi cũng cần phải thay đổi cách gọi với con cái. Nhiều gia đình có quan hệ bình thường vẫn gọi con là các anh/chị và xưng tôi. Lúc này, tương tự như gọi ông/bà cũng là cách gọi trung tính, thể hiện quan hệ xã hội.

“Ngôn ngữ thể hiện cảm xúc, giao tiếp, vị trí trong quan hệ xã hội và gia đình… Nhưng chúng ta có thể thay đổi khi vị trí đó không còn thích hợp nên người ta hướng đến dùng các đại từ nhân xưng trung tính hơn. Đối với gia đình thường nên dùng ngôn từ có cảm xúc, tình cảm là cần thiết. Vì thế, cần xây dựng mối quan hệ gia đình tốt đẹp cả từ hai phía thông qua việc sử dụng đúng ngôn từ. Và cả hai phía là bố mẹ và con cái cần nhìn nhận vấn đề này để thay đổi”, PGS.TS Lê Ngọc Văn nói.

“Đối với vợ chồng cũng tương tự, khi chúng ta có tình cảm, quyến luyến sẽ gọi anh em. Nhưng nếu không còn như xưa thường có xu hướng chuyển sang anh/chị và tôi. Do đó, hãy thay đổi ngay cả trong cuộc sống gia đình nhỏ để tạo nên nề nếp cho gia đình lớn”. PGS.TS Lê Ngọc Văn.

Hà Trang

Theo Đời sống
back to top