Xuất nhập khẩu: Sau kỷ lục là... hụt hơi!

(khoahocdoisong.vn) - 2018 là một năm kỷ lục về xuất nhập khẩu, nhưng hứa hẹn năm 2019 sẽ tiếp tục có kỷ lục mới. Nhưng có đúng là toàn tin vui?

Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan đã phát đi một số thông tin khá thú vị, về những nét nổi bật trong xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2018 của Việt Nam. Đó là một năm kỷ lục về xuất nhập khẩu, vui nhất là còn hứa hẹn năm 2019 sẽ tiếp tục có kỷ lục mới. Nhưng có đúng là toàn tin vui?

Khối ngoại thắng lớn

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước lập kỷ lục, đạt 480,17 tỷ USD, t​ăng hơn 52 tỷ USD về số tuyệt đối so với kết quả thực hiện của năm 2017. Trước đó, số tăng tuyệt đối tổng trị giá xuất nhập khẩu năm 2017 so với năm 2016 là 76,75 tỷ USD. Từ đây, Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ số độ mở của nền kinh tế Việt Nam (xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) trong năm 2018 ước tính là 196%.

Điều này sẽ giúp cải thiện thứ hạng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018, khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố báo cáo tổng quan về xuất nhập khẩu toàn cầu (dự kiến vào tháng 4/2019). Năm 2017, WTO xếp Việt Nam đứng thứ 27 trên thế giới về xuất khẩu và thứ 25 về nhập khẩu hàng hóa.

Về tốc độ tăng, năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam tăng 13,2% và nhập khẩu tăng 11,1%. Xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu giúp Việt Nam đạt xuất siêu năm thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, năm 2018, giá trị xuất siêu của Việt Nam đạt cao nhất từ trước tới nay, lên tới gần 6,8 tỷ USD (năm 2017 là 2,11 tỷ USD và năm 2016 là 1,78 tỷ USD). Về thị trường, Việt Nam có thặng dư thương mại với 150 nước, vùng lãnh thổ, và chịu thâm hụt với 85 nước, vùng lãnh thổ.

Về cơ cấu, tổng trị giá của 20 mặt hàng, nhóm mặt hàng lớn nhất chiếm hơn 80% tổng trị giá xuất nhập khẩu Việt Nam trong năm 2018. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện các loại, với trị giá 49,1 tỷ USD, chiếm 1/5 tổng trị giá xuất khẩu. Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, trị giá 42,2 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng trị giá nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan không tính toán chênh lệch xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng công nghệ cao nói trên là khoảng bao nhiêu. Lý do, kết quả tính toán ấy không là chỉ số dành để đánh giá cán cân thương mại. Tuy nhiên, chênh lệch xuất nhập khẩu của nhóm hàng này đạt khoảng 6,9 tỷ USD – tức là vượt giá trị xuất siêu cả nước trong năm 2018 (6,8 tỷ USD).

Lưu ý là, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện các loại – ngành sản xuất hoàn toàn do các doanh nghiệp FDI làm chủ, với nòng cốt chủ yếu là Samsung. Điều đó cho thấy, hiệu quả xuất khẩu thực sự của nhóm hàng điện thoại và linh kiện các loại nói riêng, hàng công nghệ cao nói chung của Việt Nam trong 2018 chủ yếu thuộc về và do khối doanh nghiệp FDI tạo nên, nên đương nhiên nhóm này sẽ thụ hưởng.

Và với các ưu đãi gần như cho không mà Việt Nam đang áp dụng với doanh nghiệp FDI trong ngành điện thoại và linh kiện, cũng có thể nói, đóng góp thực chất lớn nhất của nhóm các doanh nghiệp này cho Việt Nam là thâm dụng lao động. Hiện, chỉ riêng Samsung đã sử dụng trên 100.000 lao động trong các nhà máy của hãng này tại Việt Nam.  

“Độ mở”

Cũng theo Tổng cục Hải quan, hơn 10.000 doanh nghiệp FDI hiện chiếm 65,2% tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2018. Trong đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI là 70,5%, nhập khẩu là gần 60%. Tổng cục Hải quan cho biết đây cũng là các chỉ số phản ánh độ mở của nền kinh tế Việt Nam.

Về thị trường, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, châu Á vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam (xuất khẩu chiếm 54% và nhập khẩu chiếm 80,3%). Tiếp theo là châu  Mỹ (xuất khẩu chiếm 23,8% và nhập khẩu chiếm 8,6%). Sau đó là châu Âu (xuất khẩu chiếm 19%, nhập khẩu chiếm 7,5%).

Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 106,7 tỷ USD và chiếm 22,2% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với kim ngạch 65,7 tỷ USD (chiếm 13,7%), với Hoa Kỳ 60,3 tỷ USD (chiếm 12,6%), với Nhật Bản đạt hơn 37,8 tỷ USD (chiếm 7,9%. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với tất cả 9 thành viên ASEAN đạt 56,3 tỷ USD, chiếm 11,7%, và xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU28) đạt 55,8 tỷ USD, chiếm 11,6%.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, năm 2018, cả nước có hơn 85.600 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng khoảng 5.800 doanh nghiệp so với năm 2017. Tổng cục Hải quan ước tính, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa.

Về chi tiết, chỉ có hơn 10.000 doanh nghiệp FDI có hoạt động xuất nhập khẩu, chiếm chưa tới 1/8 trong tổng số doanh nghiệp thực sự tham gia xuất nhập khẩu của cả nước. Tuy nhiên, số này lại chiếm tới 65,2% tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018. Thực tế, doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 (và các năm trước), được Tổng cục Hải quan nhận xét: “cũng là các chỉ số phản ánh độ mở của nền kinh tế Việt Nam”.

Do đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, và hoạt động, đóng góp vào kinh tế - xã hội Việt Nam, nên về nguyên tắc, doanh nghiệp FDI cũng là doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, chính điều này lại cho thấy thực tế khác, là bên cạnh sự “thăng hoa” của các doanh nghiệp FDI, chất lượng phát triển của các doanh nghiệp “thuần Việt” đang khá yếu kém. Một trong các biểu hiện yếu kém ấy, là tại nền kinh tế có độ mở lớn, hướng mạnh vào xuất nhập khẩu như Việt Nam, doanh nghiệp “thuần Việt” lại chiếm phần nhỏ hơn trong cán cân xuất nhập khẩu cả nước, dù về số lượng chiếm đại đa số so với các doanh nghiệp FDI.  

Và nếu chú ý hơn vào các nhận xét khách quan từ số thống kê của Tổng cục Hải quan từ tổng giá trị xuất nhập khẩu năm 2018, có thể thấy sự lấn át của các doanh nghiệp FDI trong kim ngạch sản phẩm công nghệ cao. Điều đó, cũng cho thấy đa số doanh nghiệp “thuần Việt” vẫn chưa có cách hiệu quả tiếp cận xu thế công nghệ của kinh tế thế giới. “Độ mở” của nền kinh tế như Tổng cục Hải quan nhận xét, do thế, vẫn “đóng chặt” với các doanh nghiệp thuần Việt.  

Theo Đời sống
Giá xăng tiếp tục giảm từ 15h ngày 31/10

Giá xăng tiếp tục giảm từ 15h ngày 31/10

Chiều 31/10, liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Từ 15h hôm nay, giá xăng được điều chỉnh giảm giảm từ gần 300 đồng đến gần 400 đồng/lít, trong khi giá giá các loại dầu đồng loạt tăng.
back to top