Tăng đột biến ở nhiều nhóm hàng
Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2018, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt kết quả ngoài dự báo. Còn theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê, năm 2018, về thị trường xuất khẩu năm 2018, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,2%. Trong đó, điện thoại và linh kiện tăng 46,7%, giầy dép tăng 15,3%, hàng dệt may tăng 13,7%. Tiếp đến là thị trường EU đạt kim ngạch 42,5 tỷ USD, tăng 11%. Kim ngạch từ thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, với 41,9 tỷ USD, tăng 18,5%. Trong đó điện thoại và linh kiện tăng 52,8%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 25,8%; rau quả tăng 10,2%.
Tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn FDI tổng kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017).
Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%, hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28%; giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%...
Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn FDI. Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 95,6%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,1%, hàng dệt may 59,9%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong năm 2018 cũng tăng khá về kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3%; rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%, cà phê đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,2% (lượng tăng 20,1%), gạo đạt 3,1 tỷ USD, tăng 16% (lượng tăng 4,6%).
Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm, nên kim ngạch giảm so với năm trước. Chẳng hạn, xuất khẩu hạt điều đạt 3,4 tỷ USD, giảm 3,9% (lượng tăng 6,2%), cao su đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,1% (lượng tăng 14,5%), hạt tiêu đạt 757 triệu USD, giảm 32,2% (lượng tăng 8,1%). ..
Tính chung cả năm 2018, xuất khẩu dầu thô tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 2,3 tỷ USD, giảm 21,2% về kim ngạch và 39,5% về
Cảnh báo tăng nhập siêu từ Trung Quốc
Cũng theo ông Phạm Văn Chinh, kết quả xuất khẩu năm 2018 đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; nhập siêu dưới 3% kim ngạch xuất khẩu…). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Chinh cảnh báo, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần rất lưu tâm yếu tố này. Bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Theo ý kiến chuyên gia, năm 2018, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 65,8 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2017. Trong đó, xăng dầu tăng 89,4%, vải tăng 18%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 11,4%... Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu kết thúc, Chính phủ Trung Quốc tung gói kích cầu kinh tế trị giá tới 218 tỷ USD, sẽ tạo điều kiện gia tăng nhập khẩu hàng hoá giá rẻ hơn từ Trung Quốc. Đồng thời là gia tăng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc tới các nước, trong đó có Việt Nam. Cả hai khả năng này đều dẫn tới gia tăng áp lực cạnh tranh giữa hàng hoá Trung Quốc với các nước, gia tăng tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc cả về lượng và giá trị kim ngạch.
Đồng quan điểm này, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả thực chất của sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2018 chưa cao. Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định, hiện nay xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào khối doanh nghiệp FDI, với tỷ trọng hơn 70% tổng kim ngạch của cả nước. Sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào kim ngạch xuất khẩu còn mờ nhạt và hạn chế. Khi tăng trưởng xuất khẩu “dựa vào thế giới”, nguồn lực để đáp ứng nhu cầu lại được “nhập khẩu từ bên ngoài” thì giá trị gia tăng tạo ra thấp, giữ lại trong nước không được bao nhiêu.
Cũng theo bà Phạm Chi Lan nhận định, nước ta đang đứng trước ngã rẽ, hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, hoặc vươn lên tầm cao hơn thông qua đa dạng hoá, hiện đại hóa, có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để tham gia vào những công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn, muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục cải cách mạnh: tăng cường liên kết trong nước với nước ngoài, giữa DN xuất khẩu với các DN cung cấp “đầu vào” trong nước. Bên cạnh đó, DN cần nâng cao kỹ năng, năng lực và trình độ quản lý, sự đổi mới sáng tạo...
Đồng quan điểm, Đại biểu quốc hội Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, tổng thể quốc gia xuất siêu, nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp FDI mang lại, trong khi khu vực trong nước vẫn nhập siêu.
“Các doanh nghiệp FDI xuất siêu, nên phần lớn giá trị gia tăng thuộc về họ. Chúng ta tham gia ở phân khúc thấp trong việc hình thành sản phẩm xuất khẩu, nên đương nhiên hưởng phần ít” – ông Hàm nhấn mạnh. Và bày tỏ sự lo ngại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh khiến độ mở của nền kinh tế lớn, nên dễ bị tác động, dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới có biến động. Hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gấp 2 lần GDP – ông Hàm lưu ý.