Truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phát hiện hàng giả, hàng nhái. |
Càng bắt, càng hiện đại hơn
Tại diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Cục QLTT cho biết, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trong năm qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.
Một số vụ việc điển hình đã xử lý như Vụ hàng giả là quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại TPHCM (khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square), TP Hà Nội (khu vực chợ Ninh Hiệp - Gia Lâm, khu vực huyện Phú Xuyên); TP Hải Phòng (kho hàng hoá tại quận Hải An); Vụ việc sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Vụ việc kiểm tra đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu của Thuỵ Sĩ, tiêu biểu tại Đà Nẵng, Khánh Hoà; Vụ việc kinh doanh âm ly hiệu Suhyoung Jarguar giả mạo xuất xứ Hàn Quốc trên địa bàn một số tỉnh, thành phố: Nghệ An, Quảng Bình, TPHCM; Vụ việc điện thoại di động giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng tại TP Hà Nội.
Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm trong thời gian vừa qua gồm Thực phẩm (mỳ chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng); Vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi); Dược phẩm (đông dược, tân dược ngoại nhập); Vật liệu xây dựng; Mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy; xe máy điện, xe đạp điện; Mặt hàng tiêu dùng, thời trang… Vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền SHTT, giả mạo nhãn hiệu.
“Từ những tổ chức, đường dây chuyên nghiệp đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán hàng rong đều có thể sử dụng rất nhiều chiêu thức khác nhau để lừa dối người tiêu dùng. Chẳng hạn, đơn giản như trường hợp người bán hàng rong bán hoa quả, khoai tây, hành tỏi… xuất xứ Trung Quốc, khi người tiêu dùng hỏi xuất xứ thì họ sẵn sàng nói là hàng của Việt Nam để người tiêu dùng mua hàng” – ông Dương nói.
Đại diện phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh – Giám đốc Đối ngoại và truyền thông Công ty L'Oreal Việt Nam cũng cho biết, thời điểm hiện tại, hơn 60% mỹ phẩm của L'Oreal tại Việt Nam là hàng xách tay và hàng giả (số liệu được dựa trên kênh phân phối trên cả 2 kênh online và offline). L’Oreal chính hãng đã gởi công văn kêu cứu đến các cơ quan chính phủ và Văn phòng Thủ tướng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại các cơ sở. |
Có giải quyết bằng công nghệ được không?
Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh kiến nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý cạnh tranh sớm đưa ra các quy định liên quan đến việc bảo vệ thương quyền, kinh doanh hàng giả trên mạng. Cùng đó, lực lượng chức năng cần tăng cường truyền thông giáo dục về hậu quả của việc buôn bán, sản xuất hàng giả cũng như hậu quả khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng hàng giả.
Theo ông Hoàng Ánh Dương, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều vướng mắc khi truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bởi, nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn. Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, gây khó cho việc phát hiện vi phạm.
Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể rõ ràng thì càng khó khăn hơn (chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật
…).
Để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Hoàng Ánh Dương cho rằng lực lượng quản lý thị trường cần đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn. Người tiêu dùng chỉ nên mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các trang, ứng dụng, sàn thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nâng cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý hệ thống phân phối, đại lý... để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật nhằm bảo vệ sản phẩm của mình như: ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả sử dụng công nghệ mới...
Các doanh nghiệp, hiệp hội cần thể hiện tốt vai trò đồng hành với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Người dân cần nâng cao kiến thức kỹ năng mua sắm như: cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc; tìm hiểu kỹ thông tin người mua; chọn mua ở các cửa hàng có uy tín; không dùng hàng giả, hàng nhái để đảm bảo sức khỏe và an toàn...