Xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần: "Tảng đá" đè chết doanh nghiệp

Các doanh nghiệp tại TPHCM mong muốn thay đổi phương thức xét nghiệm tại nơi sản xuất, có thể tự thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả để giảm gánh nặng, khi thành phố mở cửa trở lại.

Cần sớm thay đổi phương án xét nghiệm trong doanh nghiệp

Tại buổi tọa đàm về kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh sáng 15/9, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Chu Tiến Dũng nêu nhiều khó khăn của doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là chi phí xét nghiệm. Ông Dũng nhấn mạnh TPHCM cần xem xét lại vấn đề này, vì nếu không "xét nghiệm thành tảng đá đè chết doanh nghiệp". 

Theo ông, việc xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày 7 ngày với toàn bộ người lao động tạo ra gánh nặng chi phí quá lớn. Chủ tịch HUBA nhấn mạnh xét nghiệm cần có trọng tâm, đúng đối tượng, thay vì làm đồng loạt khiến doanh nghiệp không chịu nổi.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans kiêm Phó chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM, cũng mong muốn TPHCM sớm ban hành hướng dẫn xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm do doanh nghiệp tự thực hiện. 

Ông Việt đồng thời nhấn mạnh Nhà nước cần có giải pháp bình ổn giá xét nghiệm vì đây đang là khoản chi phí rất lớn với doanh nghiệp. Trong khi đó, giá xét nghiệm trên thị trường liên tục thay đổi, nay một giá, mai một giá. 

Xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần: Tảng đá đè chết doanh nghiệp - 1

Việc xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ lao động khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên cao trong bối cảnh khó khăn (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Vừa trở về sau 2 tháng ở Canada, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Công ty Secoin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TPHCM, cũng nêu đề xuất dừng việc xét nghiệm diện rộng, bắt buộc doanh nghiệp xét nghiệm định kỳ người lao động dựa trên những quan sát tại quốc gia phát triển này. Theo ông Kỳ, khi đã chấp nhận sống chung với Covid-19, các chính sách đưa ra cũng cần điều chỉnh. 

Trước những góp ý của doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thành phố vừa thí điểm cho shipper tự xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình. Thời gian tới, định hướng của TPHCM là cũng chuyển sang hậu kiểm, có thể để doanh nghiệp tự làm xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm.

Cần sớm gỡ khó lưu thông, nguồn lao động

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, thành phố dự kiến công bố kế hoạch tổ chức hoạt động kinh tế xã hội sau ngày 1/10 chậm nhất vào 27/9 tới, đảm bảo ít nhất trước 72 giờ. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh cho rằng dù có độ trễ 3 ngày, doanh nghiệp cũng khó chuẩn bị kịp khi phải có thời gian tìm hiểu chính sách rồi quán triệt xuống các đơn vị thực hiện. 

Về khó khăn nội tại, ông Ngân cho biết hiện nay vấn đề lớn là liên kết vùng. Nhiều công trình, dự án sử dụng sản phẩm của công ty ở các tỉnh lân cận nhưng không thể vận chuyển hàng. "Không mở ra liên kết vùng thì không có cách nào phục hồi sản xuất được. Đừng để doanh nghiệp đi được nửa đường thì bị chặn lại", CEO này khẳng định. 

Xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần: Tảng đá đè chết doanh nghiệp - 2

Các doanh nghiệp lo ngại vấn đề lưu thông giữa các địa phương khi TPHCM mở cửa trở lại (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Vấn đề thứ hai, theo ông Ngân là nguồn nhân lực để tái sản xuất. Dù công ty của ông có tới 98% người lao động tiêm đã tiêm vắc xin mũi một, 81% tiêm mũi 2 nhưng nhiều công nhân vẫn chưa được xác nhận thông tin tiêm chủng trên ứng dụng. Ông Ngân kiến nghị việc cập nhật thông tin tiêm vắc xin phải rõ ràng để biết ai được đi làm, ai phải ở nhà. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới chuẩn bị được nhân sự để hoạt động.

Đây cũng là hai nhóm vấn đề được các doanh nhân khác nhấn mạnh khi tái lập sản xuất, kinh doanh. 

Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Napoli Nguyễn Đức Hưng cho hay việc vận chuyển cà phê để xuất khẩu của doanh nghiệp đến các cảng, cửa khẩu vẫn khó khăn. Ông Hưng mong mỏi khi mở cửa trở lại, người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, tuân thủ 5K cần được tạo điều kiện lưu thông dễ dàng để giải quyết khó khăn về tiêu thụ của nông dân, doanh nghiệp kinh doanh cà phê nói riêng và nông sản nói chung.

Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM Nguyễn Chánh Phương chia sẻ nếu sản xuất trở lại, ngành gỗ tìm được 60-70% lao động so với bình thường đã là việc khó. Vì vậy, TPHCM cần quan tâm độ phủ vắc xin chi tiết với người lao động trong các chuỗi cung ứng chứ không chỉ tổng dân cư, đặc biệt quan tâm vấn đề đưa công nhân ở các tỉnh trở lại TPHCM tiêm vắc xin để sớm có giải pháp.

Xét nghiệm Covid-19 định kỳ 3 ngày/lần: Tảng đá đè chết doanh nghiệp - 3

Nguồn lực lao động là một vấn đề nhiều doanh nghiệp lo lắng sau đại dịch (Ảnh: Hữu Khoa).

Đại diện Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện, ông Đoàn Võ Khang Duy, thì tỏ ra lo ngại về việc kiểm soát dịch ở các khu dân cư sau khi mở cửa. Bản thân doanh nghiệp, các khu công nghiệp đều xây dựng quy trình phòng chống dịch chặt chẽ cho mình, nhưng nếu bỏ ngỏ các khu dân cư nơi người lao động sinh sống, doanh nghiệp cũng khó ổn định sản xuất lâu dài.

Nhiều lần nhắc đến khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng dự báo quá trình phục hồi sau đại dịch sẽ cần tối thiểu mất 2 năm để các doanh nghiệp trở về trạng thái bình thường như trước. Ông Dũng cam kết sẽ tổng hợp tất cả ý kiến, theo đó sẽ đề xuất trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp cả nước ngày 26/9.

Theo dantri.com.vn
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top