Shipper: 'Mất 260.000 đồng để xét nghiệm thì tôi không chạy ship nữa'

Sáng 24/9, nhiều shipper tại TP.HCM phản ứng mạnh với việc chuyển đổi từ TP xét nghiệm miễn phí sang ứng dụng xét nghiệm thu phí. Họ cho rằng phí xét nghiệm là quá cao.

"Anh em ở Bình Tân thì đừng qua điểm xét nghiệm ở Bình Trị Đông B xét nghiệm nha, phải mua riêng một bộ xét nghiệm mất 160.000 đồng và chi phí xét nghiệm là 100.000 đồng. Dùng được 2 ngày chưa gì đã mất 260.000 đồng rồi", một shipper cảnh báo các đồng nghiệp trên hội nhóm mạng xã hội.

Cũng theo nhiều shipper trên địa bàn TP.HCM, phí xét nghiệm hiện tại đang ở mức cao dẫn tới việc họ không có động lực để ra đường hoạt động.

"Thu nhập thì thấp, đường thì rào chắn, chốt chặn, đối mặt nguy cơ dịch bệnh rồi nguy cơ dính phạt, giờ lại thêm tiền xét nghiệm định kỳ. Nếu mất 260.000 đồng để xét nghiệm như thế này thì tôi không chạy nữa, bao giờ miễn phí trở lại hoặc thành phố giãn tần suất xét nghiệm thì đi làm", anh N. Long - shipper của một ứng dụng giao hàng - bức xúc.

xet nghiem cho shipper anh 1
Tình trạng quá tải các điểm xét nghiệm cho shipper tiếp tục xảy ra trong ngày 24/9 dù việc xét nghiệm đã được Sở Công Thương giao về cho các ứng dụng tự thực hiện. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhiều bất cập trong sáng 24/9

"Các doanh nghiệp hoạt động thì họ hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho công nhân, còn các hãng xe công nghệ thì lại thu phí xét nghiệm của shipper. Tôi cho rằng rất thiếu hợp lý trong khi shipper là tuyến 2 chống dịch, giao hàng hóa thiết yếu cho người dân thì lại nặng nề quy định, chi phí", một shipper khác phản ứng mạnh.

Thu phí test là biện pháp mà nhiều ứng dụng lựa chọn để bù đắp chi phí xét nghiệm cho shipper. Trước đó, TP.HCM yêu cầu từ ngày 24/9 đến ngày 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của TP theo hướng dẫn của Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT).

Thành phố hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh cho ứng dụng tính theo số lượng shipper đăng ký và tần suất 3 ngày/lần xét nghiệm mẫu gộp 3. Mức phí xét nghiệm mà các ứng dụng thu của shipper dao động từ 75.000 đến 150.000 đồng.

Tuy nhiên có nhiều điểm xét nghiệm thực hiện lấy mẫu riêng, không làm xét nghiệm mẫu gộp 3 nên shipper phải tự chuẩn bị thêm bộ xét nghiệm. Điều này dẫn tới việc tăng thêm chi phí. Bên cạnh một vài điểm xét nghiệm lấy phí cao, những điểm lấy phí xét nghiệm thấp lại rơi vào tình trạng quá tải, tập trung đông người.

xet nghiem cho shipper anh 2
Nhiều shipper phàn nàn tình trạng phải trả phí xét nghiệm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Anh T. Chiến (Nhà Bè) - shipper của Grab - cho hay 75.000 đồng cho một lần xét nghiệm là mức chi phí hợp lý, tuy nhiên điểm xét nghiệm lại quá đông người.

"Lẽ ra chia theo các quận thì tiện hơi chứ để dồn về một vài điểm thì quá đông. Tính cả thời gian di chuyển, tôi mất cả tiếng đồng hồ để làm xét nghiệm", anh Chiến cho hay.

Cũng theo ghi nhận của Zing, một vài điểm xét nghiệm cho shipper dù có trong danh sách của ứng dụng nhưng lại không hoạt động trong sáng ngày 24/9. Có thể kể đến hai điểm là Bệnh viện Lê Văn Thịnh (trụ sở chính) và nhà thiếu thi TP Thủ Đức cơ sở chính (đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu).

Shipper di chuyển tới các điểm này từ sáng sớm nhưng cho biết không có tổ xét nghiệm nào, buộc phải tìm cách tới các điểm xét nghiệm xa hơn trong khi giấy xác nhận xét nghiệm cũ đã hết hạn.

Chị Lê Như Ý - shipper của một ứng dụng giao hàng - cho biết sáng nay đã xếp hàng ở bệnh viện Lê Văn Thịnh từ 5h30 sáng. Sau đó, ứng dụng lại được thông báo chuyển qua điểm xét nghiệm lưu động tại nhà thiếu nhi Thủ Đức trên đường Nguyễn Duy Trinh.

"Tôi phải xếp hàng lại từ đầu, tổng cộng từ sáng tới giờ tôi đã chờ hơn 3 tiếng nhưng vẫn chưa tới lượt", chị Ý bức xúc.

Tiến tới giao shipper tự xét nghiệm sau 1/10

Do tình trạng thu phí xét nghiệm không thống nhất và tập trung đông người khi xét nghiệm shipper, Sở Công Thương TP.HCM đã phải họp gấp với các ứng dụng, doanh nghiệp trong sáng ngày 24/9 để tìm ra giải pháp.

Tại cuộc họp, đại diện các ứng dụng cho biết tình trạng quá tải là khó tránh khỏi do doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm và chuyên môn tổ chức xét nghiệm. Đại diện ShopeeFood chia sẻ số lượng điểm xét nghiệm tự tổ chức của ứng dụng dù ở mức nào cũng không thể so với con số 800 điểm xét nghiệm của thành phố tổ chức.

"Mà 800 điểm này khi số lượng shipper được đăng ký hoạt động vừa tăng đã rơi vào tình trạng quá tải. Nếu chúng tôi không rơi vào tình trạng quá tải thì thực sự khó tin. Do đó chúng tôi nói thẳng là các điểm xét nghiệm của chúng tôi đã quá tải", vị này khẳng định.

Ứng dụng này cũng ủng hộ chủ trương giao bộ xét nghiệm miễn phí cho tài xế tự xét nghiệm tại nhà của thành phố và cho rằng cần tiến hành càng sớm càng tốt. Tuy nhiên đại diện ứng dụng lo lắng việc cập nhật kết quả xét nghiệm còn nhiều bất cập.

xet nghiem cho shipper anh 3
Các ứng dụng cho biết do không có kinh nghiệm, chuyên môn tổ chức xét nghiệm nên tình trạng quá tải, tập trung đông người là khó tránh khỏi. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Chúng tôi đã sử dụng cả AI, cả con người để xử lý kết quả xét nghiệm mà shipper gửi về và ghi nhận nhiều bất cập. Phần mềm của Sở TT&TT hoạt động đôi khi không mượt mà trong khi tốc độ shipper gửi thông tin xét nghiệm là liên tục, hàng nghìn mẫu mỗi ngày. Thông tin trong phần mềm của Sở TT&TT cũng không được đồng bộ với Công an TP.HCM, trong khi lịch trình đồng bộ cũng chưa rõ ràng", đại diện ShopeeFood quan ngại.

Trong khi đó đại diện Grab khẳng định đã nỗ lực để đi tìm đối tác và tổ chức các điểm xét nghiệm cho lực lượng shipper. "Chúng tôi rất lo lắng vì doanh nghiệp không thể tự tổ chức xét nghiệm cho lượng lớn shipper. Đây không phải là chuyên môn của doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi không tự tin về việc tự thực hiện xét nghiệm và cập nhật kết quả lên hệ thống, do đó phải tìm các cơ sở y tế để phối hợp", đại diện ứng dụng chia sẻ.

Chúng tôi rất lo lắng vì doanh nghiệp không thể tự tổ chức xét nghiệm cho lượng lớn shipper. Đây không phải là chuyên môn của doanh nghiệp

Đại diện Grab

Vị này thừa nhận có thực trạng tập trung đông người tại các điểm xét nghiệm do số lượng các cơ sở y tế có thể hợp tác tổ chức xét nghiệm cho shipper là có hạn và hàng chục ứng dụng đang phải chia nhau.

Đại diện Grab cho biết doanh nghiệp ủng hộ chủ trương phát bộ xét nghiệm miễn phí để shipper xét nghiệm tại nhà. Tuy nhiên, công ty này băn khoăn về quá trình phân phối các bộ xét nghiệm bởi có rủi ro làm giả xét nghiệm hay lãng phí bộ xét nghiệm.

Ứng dụng này cũng nói Grab và nhiều nền tảng khác gặp khó khăn trong chuyện thuê các địa điểm, đơn vị để tổ chức phân phát bộ xét nghiệm cho shipper trong thời gian tới. Do đó, họ đề nghị Sở Công Thương tạo điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng những mặt bằng còn trống để làm điểm phân phát.

Còn theo đại diện Ahamove, tình trạng tập trung đông người tại các điểm xét nghiệm cho shipper trong sáng ngày 24/9 là khó tránh khỏi. Doanh nghiệp đánh giá chủ trương của thành phố là đúng đắn, tuy nhiên thực hiện ra sao để phù hợp thì vẫn phải cân nhắc.

"Chỉ có hai cách, một là xét nghiệm tập trung tại các điểm xét nghiệm do doanh nghiệp tổ chức, dẫn tới tập trung đông người. Thứ hai là giao hàng chục nghìn bộ test tới tài xế thì dẫn tới lãng phí nguồn lực", vị này nhận định

Do đó, đại diện Ahamove đề xuất thành phố có thể phân phối các bộ xét nghiệm về các trạm y tế phường để shipper có thể đến lấy, mỗi tuần 1-2 bộ xét nghiệm tùy theo tần suất mà cơ quan chức năng yêu cầu. Cũng theo Ahamove, trong sáng ngày 24/9 ứng dụng này đã thực hiện xét nghiệm cho khoảng 3.000 shipper.

Test Covid-19 cho shipper: Nơi quá tải, nơi đội xét nghiệm không đến Hàng trăm shipper tại điểm lấy mẫu trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) phải ra về vì đội xét nghiệm không đến. Ở một vài điểm khác, nhiều người phải chờ hàng giờ vì quá tải.
Theo zingnews.vn
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top