Một trong số công ty đang chạy đua để trở thành người đầu tiên tung ra loại xe tải này là TuSimple có trụ sở tại San Diego, Mỹ.
Được thành lập vào năm 2015, TuSimple đã hoàn thành thử nghiệm trên khoảng 2 triệu dặm, với 70 mẫu xe tải khác nhau trên khắp Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu. TuSimple kỳ vọng công nghệ này sẽ khắc phục được những điểm yếu mà các xe tải được điều khiển bằng con người hiện nay đang gặp phải.
Không ngủ
Thử nghiệm đường mới nhất của TuSimple liên quan đến việc vận chuyển nông sản tươi 951 dặm, từ Nogales, Arizona đến TP Oklahom, với phần lớn tuyến đường, từ Tucson đến Dallas, xe tải đã tự lái.
Ông Cheng Lu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của TuSimple nói: “Hôm nay, do hệ thống chưa hoàn toàn sẵn sàng, để đảm bảo an toàn chúng tôi đã có một lái xe và một kỹ sư đồng hành trong quá trình thử nghiệm, nhưng chuyến đi đã đến đích an toàn khi người lái xe chưa cần chạm vào vô lăng”.
Cuộc hành trình đã hoàn thành trong 14 giờ so với 24 giờ thông thường với một người lái xe, do xe có thể vận hành liên tục mà không cần nghỉ ngơi như thông thường, thời gian tiết kiệm lên đến 10 tiếng.
TuSimple đã hoàn thành khoảng 2 triệu dặm đường thử nghiệm với những chiếc xe tải tự hành của mình. (Ảnh: TuSimple)
Ông Cheng Lu cho biết: “Chúng tôi thu thập dữ liệu từ các con đường và tạo ra bản đồ chi tiết, độ nét cao về từng tuyến đường. Điều đó bổ sung thêm một lớp an toàn cho các phương tiện giao thông”. Do đó, các xe tải của TuSimple sẽ chỉ có thể tự lái dọc theo các hành lang thương mại được lập bản đồ trước, mà Lu gọi là “đường sắt ảo”.
Công nghệ này sẽ thêm khoảng 50.000USD vào chi phí của một chiếc xe tải, khiến giá cuối cùng vào khoảng 200.000USD. Theo Cheng Lu, điều đó vẫn rẻ hơn so với việc trả tiền cho một người lái xe.
TuSimple đặt mục tiêu tiếp quản các tuyến đường giữa các nhà ga và trung tâm phân phối, vốn liên quan đến việc lái xe đơn điệu trong thời gian dài. Do đó, việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến công việc của các tài xế hiện tại.
Tránh bị phân tâm
Mặc dù độ tin cậy của cả phần mềm và phần cứng vẫn cần được cải thiện hơn nữa, nhưng TuSimple đang lên kế hoạch cho các thử nghiệm hoàn toàn tự động đầu tiên mà không có lái xe trong cabin. Kết quả của các cuộc thử nghiệm như vậy sẽ cho biết liệu công ty có thể đạt được mục tiêu ra mắt xe tải của riêng mình vào năm 2024 hay không?
TuSimple có các đối thủ cạnh tranh nổi bật, chẳng hạn như Google spinoff Waymo và Aurora do Uber hậu thuẫn, nhưng những công ty này đang phát triển trên nhiều loại phương tiện tự lái hơn, bao gồm cả xe chở khách.
Grayson Brulte, một chuyên gia về quyền tự chủ tại công ty tư vấn Brulte & Co. tin rằng, TuSimple đang đi đúng hướng. Lợi thế cạnh tranh lớn nhất mà TuSimple có so với các đối thủ là công nghệ của họ được xây dựng nhằm mục đích vận tải đường bộ. Họ không cố gắng chuyển một hệ thống tự động được xây dựng cho các phương tiện chở khách trong môi trường đô thị dày đặc sang vận tải hàng hóa hoặc xây dựng một trình điều khiển ảo có thể điều khiển cả xe khách và xe tải. Đây là những kỹ năng khác nhau và hệ thống khác nhau hoàn toàn.
Việc loại bỏ yếu tố con người trên các tuyến đường dài còn đem lại những lợi ích khác. TuSimple cho biết, xe tải của họ phản ứng nhanh hơn gấp 15 lần so với người lái xe và có thể quan sát xa hơn, ngay cả vào ban đêm.
Ông Cheng Lu nói: “Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 5.000 trường hợp tử vong liên quan đến xe tải và hầu hết là do lỗi của con người. Xe tải không bị mệt, không xem phim hay nhìn điện thoại và nó không bị phân tâm”.
Tính đến giữa tháng 12/2021, DHL Supply Chain đã đặt trước 100 xe tải tự lái của TuSimple để tích hợp vào hoạt động kinh doanh của mình, nâng tổng số đơn hàng đặt trước của TuSimple lên 6.875 xe. Traton Group, doanh nghiệp kinh doanh xe tải hạng nặng của Volkswagen AG, cũng đã ký thỏa thuận với TuSimple để cùng phát triển xe tải tự lái. Cả hai đối tác đều sở hữu lượng cổ phần nhỏ trong TuSimple.
Ông Cheng Lu cho biết, thế hệ đầu tiên của những chiếc xe tải sẽ được chế tạo với một tay lái cho một số hoạt động nhất định trong bãi, như chuyển số, hoặc quá trình tách và chuyển máy kéo và rơ-moóc, mà ban đầu vẫn cần được thực hiện bằng tay.