VietNamNet dẫn nguồn thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ngày 6/4 cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan này nhận được được một số thông tin từ 5 công ty, đơn vị: TNHH AstraZeneca Việt Nam; TNHH Novartis Việt Nam; Văn phòng đại diện F.Hoffmann-La Roche Ltd tại Hà Nội; Văn phòng đại diện Les Laboratoires Servier tại Hà Nội; Văn phòng đại diện Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific) Pte., Ltd, liên quan việc phát hiện một số lô thuốc giả, nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một gian hàng tại "chợ thuốc" Hapulico. Ảnh minh họa/ Báo Hà Nội mới |
Theo đó, cơ quan này đề nghị Sở Y tế Hà Nội tập trung xác minh một số thuốc giả, nghi ngờ giả xuất hiện trong chuỗi cung ứng tại Trung tâm bán buôn thuốc Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) và thuốc mua tại nhà thuốc để sử dụng trong Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Cùng đó, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng (Cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 thành phố ...), tiến hành cao điểm thanh tra, kiểm tra đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm.
Trung tâm kiểm nghiệm được yêu cầu tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.
Liên quan đến vụ việc, theo thông tin trên Tri thức trực tuyến, chợ thuốc Hapulico được xem là điểm tập kết, đầu mối phân phối thuốc và vật dụng y tế ngoài bệnh viện lớn nhất miền Bắc.
Trước đó, hồi 8/2022, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP Hà Nội đã phát hiện một kho thuốc tây do nước ngoài sản xuất được cất giữ trong chung cư trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận 147.962 đơn vị thuốc các loại...
Chủ hàng khai nhận toàn bộ số thuốc trên không có hóa đơn, chứng từ và được mua trôi nổi xung quanh "Chợ thuốc Hapulico" với giá rẻ rồi về bán lại kiếm lời.
Theo VnExpress, thời gian qua, Cục quản lý Dược nhiều lần cảnh báo tình trạng thuốc giả. Gần đây, Cục cảnh báo thuốc giảm đau giả.
Theo Cục Quản lý Dược, thuốc giả gây nguy hiểm khó lường cho người bệnh. Người bệnh tốn tiền để mua thuốc dỏm nhưng không có hiệu quả điều trị, bệnh nặng hơn, lỡ thời gian vàng cứu chữa, thậm chí thuốc giả dẫn đến những tác dụng phụ nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tính mạng.