World Cup 2022: Bí ẩn mặt nạ “hightech” của cầu thủ

Với các vận động viên thể thao, chấn thương vùng mặt là khó tránh, nhất là những bộ môn có tính đối kháng cao như quyền anh, bóng bầu dục, bóng đá… theo đó, đòi hỏi có các loại mặt nạ bảo hộ.

Trong trận Hàn Quốc đối đầu Uruguay tại World Cup 2022 ngày 24/11, chiếc mặt nạ màu đen của Son Heung Min đã gây sốt với cổ động viên.

Được biết, trước thềm diễn ra World Cup 2022, ngôi sao khoác áo CLB Tottenham Son Heung Min phải tiến hành phẫu thuật để chữa trị vết nứt ở xương hốc mắt. Tiền đạo người Hàn Quốc chưa kịp bình phục hẳn để cùng đồng đội đến Qatar nên các bác sĩ bắt buộc anh phải đeo mặt nạ bảo vệ trong khi thi đấu.

Bí mật chiếc mặt nạ Batman của Son Heung-min với công nghệ tiên tiến.

Bí mật chiếc mặt nạ Batman của Son Heung-min với công nghệ tiên tiến.

Theo tiết lộ của FIFA, mặt nạ Son sử dụng được in 3D từ sợi carbon (carbon fibre). Thiết bị này sẽ giúp cầu thủ tránh được chấn thương trong quá trình đang hồi phục, nhưng vẫn muốn thi đấu và đạt được phong độ ổn định.

Thông tin trên trang Creamed, phần tạo hình được vẽ chuyên dụng bằng phần mềm vẽ CAD (Computer-aided design), làm nổi bật và phân tách các vùng mặt bị ảnh hưởng. Sau đó thực hiện các thay đổi thiết kế cần thiết như các lỗ đeo dây thun, các khung bảo vệ phần bị thương tiếp xúc với mặt.

Lợi thế lớn nhất của sợi carbon khi sử dụng làm vật liệu đeo, là giúp người đeo có được sự thoải mái, vì có trọng lượng nhẹ hơn kim loại, nhựa nhiều lần. Bên cạnh đó, với đặc tính độ cứng cao, khó biến dạng dưới tác động mạnh là điểm nhấn giúp cầu thủ đeo thiết bị này tránh được những va chạm vật lý nghiêm trọng.

Sợi carbon được dùng trong ngành hàng không vũ trụ chế tạo vỏ máy bay, cánh quạt, một số chi tiết máy phản lực thay thế cho nguyên liệu nhôm trước đây. Đồng thời được ứng dụng trong các kỹ thuật dân dụng, quân sự và thể thao cạnh tranh.

Tiền đạo của tuyển Hàn Quốc không phải là cầu thủ đầu tiên sử dụng thiết bị này để thi đấu trong giai đoạn hồi phục. Trước đó nhiều trường hợp cũng phải sử dụng công nghệ này để thi đấu khi chưa thể hoàn toàn bình phục sau chấn thương.

Cựu thủ môn Petr Cech, tiền đạo Pedro của CLB Chelsea… cũng từng sử dụng mặt nạ khi tham gia thi đấu. Nếu như trong quá khứ, chiếc mặt nạ từng được làm bởi nhiều chất liệu, từ nhựa dẻo, cao su, cho tới sợi thủy tinh tổng hợp, nhôm... Tuy nhiên, những vật liệu này đều bộc lộ những nhược điểm riêng, khiến cầu thủ không thật sự thoải mái khi đeo, thậm chí gây kích ứng da.

Năm 2014, một cuộc cách mạng đối với thiết bị đeo đã diễn ra khi Mario Mandžukić, cựu cầu thủ người Croatia lần đầu tiên chuyển sang sử dụng một chiếc mặt nạ làm bằng sợi carbon sản xuất bởi Podoactiva. Từ đó trở đi mặt nạ bảo vệ làm bằng sợi carbon được các vận động viên sử dụng nhiều trong thi đấu.

Những chiếc mặt nạ thể thao được các vận động viên ưa chuộng, là một ứng dụng nổi bật của công nghệ in 3D trong y học. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặt nạ thể thao có thể giảm nguy cơ chấn thương vùng mặt và mắt hơn 90%.

Mặt nạ bảo vệ giúp vừa giảm áp lực trực tiếp lên vùng bị thương trên mặt, vừa khuếch tán các lực tác động ra xung quanh. Lớp bảo vệ này cho phép vận động viên quay lại chơi thể thao sớm hơn, đồng thời giảm nguy cơ bị thương thêm cho vùng mặt và bảo vệ khu vực phẫu thuật.

Đầu tiên các nhà sản xuất dùng một loại máy quét để ghi lại hình ảnh 3D của khuôn mặt.Giải pháp này tối ưu và tốn ít thời gian hơn cách tọa tượng thạch và khò nhiệt truyền thống. Ở bước tiếp theo, nhân viên thiết kế sẽ sử dụng phần mềm vẽ CAD (Computer-aided design) để tạo hình phần mặt nạ. Người thực hiện cần nắm rõ vùng bị chấn thương và cách thêm khung bảo vệ. Một số thay đổi trong thiết kế phải có như các lỗ để đeo dây, khu vực chèn vật liệu tiếp xúc mặt, phần bị thương và khu hấp thụ ứng suất, tác động.

Ngoài ra, khoét lỗ ở mắt rộng rãi là rất quan trọng với người chơi thể thao, để góc nhìn không bị ảnh hưởng. Sau khi hoàn tất thiết kế, chúng được chuyển sang bộ phận in 3D. Thiết bị này được chế tạo theo cách mà ngay cả khi bị va chạm, nó sẽ không tạo ra các mảnh vụn đảm bảo an toàn cho người đeo.

Theo Đời sống
back to top