Chậm vài phút là có thể tử vong
Theo thông tin, sản phụ N.Q.P. (24 tuổi, Hà Nội) đã sử dụng dịch vụ “thai sản và sinh trọn gói” với nội dung “đồng hành với mẹ và bé cho thai kỳ trọn vẹn” với chi phí gần 70 triệu đồng tại Bệnh Viện Việt Pháp.
Được biết, sản phụ sinh thường lúc hơn 11h ngày 2/11. Sau đó, các y bác sĩ đưa em bé sang phòng khác chăm sóc, để sản phụ nằm nghỉ, ngủ mà không thăm khám. Gần 17h cùng ngày, một nam bác sĩ mới vào thăm khám cho sản phụ N.Q.P. mới phát hiện băng huyết ra đầy ổ bụng. Nam bác sĩ đã hô hào cấp cứu, sau đó tiến hành phẫu thuật để cầm máu nhưng đã muộn.
BS Lê Thị Kim Dung, Phó Giám Đốc viện Sức khỏe sinh sản (RAFH) cho biết, băng huyết sau sinh (BHSS) là 1 trong 5 tai biến sản khoa thường gặp, chiếm tỷ lệ 2 - 10% tổng số ca sinh, trong đó BHSS chiếm 2/3 – 3/4 số ca tử vong. Đây là một tai biến đáng sợ nhất gây tử vong hàng đầu đối với mẹ, là nỗi ám ảnh đối với các bác sĩ sản khoa. BHSS được xác định khi sản phụ bị chảy máu âm đạo quá 500ml sau sinh (được tính bằng túi đo máu). Bệnh thường xảy ra sau sinh, đặc biệt là 2 tiếng sau đẻ thường ở bất kỳ sản phụ nào và hay gặp hơn ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như: sinh đôi, thai đa ối, sinh con tiên lương to, sinh con trên 35 tuổi... BHSS rất khó chẩn đoán bởi trước sinh không có bệnh nền gì khác, trong chuyển dạ được chẩn đoán hoàn toàn bình thường. BHSS do nhiều nguyên nhân nhưng thường hay gặp nhất là hiện tượng đờ và rách tử cung. Tử vong do BHSS thường là quá trình theo dõi bệnh nhân không đủ sát sao.
Nếu phát hiện sớm bệnh nhân mất máu, bù máu và phẫu thuật kịp thời thì có cơ hội cứu sống. Có trường hợp sau sinh thường 10 phút bị đờ tử cung máu chảy ồ ạt như thác, phẫu thuật viên không kịp rửa tay phải phẫu thuật cấm máu ngay và bù máu kịp bệnh nhân được cứu sống. Nếu mổ không kịp, chỉ chậm vài phút bệnh nhân chắc chắn sẽ chết.
Vì vậy, yếu tố quan trọng ở BHSS là phát hiện sớm, nếu phát hiện muộn, dù phẫu thuật cũng khó cứu dù đã xử lý nguyên nhân chảy máu.
Theo dõi tử cung co lại đặc biệt quan trọng
Theo BS Lê Thị Kim Dung, tử cung của phụ nữ tăng gấp 50 lần khi sinh và co lại sau khi sổ thai và rau. Việc theo dõi tử cung co lại đặc biệt quan trọng. Nếu tử cung co hồi kém hoặc không co hồi, không có khối an toàn (khối an toàn là xoa bụng bệnh nhân thấy khối chắc như quả cam), tử cung giãn to, mềm nhão, máu chảy trên 300ml là hiện tượng đờ tử cung. Trường hợp tử cung co hồi tốt nhưng máu vẫn chảy ra ngoài âm hộ, máu có màu đỏ tươi, chảy rỉ rả hay chảy liên tục thành dòng thì có thể người mẹ bị chấn thương ở đường sinh dục, đặc biệt là vỡ tử cung, rách âm hộ, âm đạo, rách tầng sinh môn, cổ tử cung...
Ngoài theo dõi 2 tiếng đầu là nguy hiểm nhất thì cũng chớ nên chủ quan lơ là theo dõi tiếp 6 tiếng sau. Cứ thấy bệnh nhân mệt ngủ không sát sao theo dõi, chăm sóc cẩn thận thì nguy cơ BHSS vẫn có thể xảy ra. Mất nhiều máu, rối loạn đông máu sau sinh, sản phụ có thể có biểu hiện vật vã, hốt hoảng hoặc lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp giảm... và dễ tử vong.
Để phòng ngừa sản phụ bị BHSS, nhân viên y tế phải đỡ đẻ đúng kỹ thuật, nhẹ nhàng, tránh gây chấn thương đường sinh dục, đồng thời cần phảt hiện sớm và xử trí kịp thời tổn thương đường sinh dục; Theo dõi sản phụ 6 giờ đầu sau khi sinh đẻ, đặc biệt 2 giờ đầu để phát hiện sớm tình trạng chảy máu kéo dài sau đẻ hoặc xuất huyết bất thường.
Hơn nữa, để phòng ngừa BHSS do rối loạn đông máu, tất cả sản phụ trước khi sinh phải được đánh giá tình trạng đông máu một cách cẩn thận. Sản phụ có tiền sử chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, thiếu máu… cần thông báo cho bác sĩ ngay cả khi chỉ số xét nghiệm máu bình thường để tránh những tai biến đáng tiếc.
Sáng 5/11, Bộ Y tế vừa có công văn về việc xác minh và báo cáo thông tin sự cố y khoa tại Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội.
Công văn nêu rõ, ngày 04/11/2020 trên một số trang Facebook có đăng bài phản ánh về trường hợp sự cố y khoa gây mất máu nhiều dẫn đến tử vong của sản phụ N.Q.P. khi đến sinh con theo dịch vụ “Thai sản và sinh đẻ trọn gói” tại Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội.
Để kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em đề nghị Bệnh viện kiểm tra, xác minh thông tin về nội dung nêu trên và gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của Bệnh viện đối với sản phụ P. về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em) trong ngày 9/11/2020.
Đồng thời, thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ P.; Thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng.