Vụ Rạng Đông, người dân có quyền khởi kiện

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, với những ảnh hưởng mà người dân đang phải chịu thì hoàn toàn có thể khởi kiện Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông ra tòa. Rạng Đông sẽ phải chịu các chi phí thiệt hại về vật chất và sức khỏe của người dân.

Công ty Rạng Đông phải bồi thường cho người dân

10 ngày sau sự cố, một khu chung cư hàng trăm hộ gia đình trong phố Hạ Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) hiện còn chưa đầy 10 nhà sáng đèn. Hầu hết các gia đình đã phải tạm "sơ tán" để bảo vệ người già, trẻ em. Trong khi đó, mỗi cơ quan đưa ra một thông báo khác nhau về vụ cháy, không thấy cơ quan chức năng nào giữ vai trò điều phối. Có rất nhiều thông báo được đưa ra, nhưng không có sự nhất quán về mức độ an toàn. Chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc, song cuộc sống của hàng nghìn người dân sống xung quanh khu vực xảy ra cháy đang bị đảo lộn nghiêm trọng.

Câu hỏi đặt ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này? LS Văn Trường Chinh, Văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa, Đoàn luật sư TP Hà Nội đặt ra câu hỏi, nguyên nhân sự cố gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy một phần vì có lỗ hổng trong khâu quản lý. Đáng lẽ Công ty Rạng Đông đã phải di dời từ lâu theo quy hoạch. Vậy thì chính quyền phường, quận, thành phố phải chịu trách nhiệm một phần. Tiếp đó là trách nhiệm của Công ty Rạng Đông. Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong vụ việc này, cần làm rõ nguyên nhân - hậu quả..

Vụ cháy kho Công ty Rạng Đông là sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp và sức khỏe của nhiều người dân xung quanh. Người dân có thể khởi kiện Rạng Đông. Căn cứ để khởi kiện đầu tiên là vấn đề bảo quản và biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng thuỷ ngân từ phía Công ty Rạng Đông. Sau sự cố xảy ra, phía Công ty không báo cáo kịp thời cơ quan quản lý về sự cố môi trường xảy ra và cũng không có biện pháp cảnh báo người dân và tìm các biện pháp hỗ trợ người dân di dời nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sức khỏe…

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, những người bị thiệt hại về sức khỏe cũng có quyền yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Tuy nhiên nếu muốn được bồi thường, người dân sẽ phải thống kê thiệt hại như tiền viện phí, thời gian đóng cửa hàng, thậm chí cả việc giảm giá trị tài sản…

Phải coi là thảm họa môi trường

Khác với những nhận định cho rằng lượng thủy ngân từ 15,1kg đến 27,2kg phát tán ra môi trưởng là ở mức độ trung bình, theo PGS.TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, nếu lượng thủy ngân bị phát tán đúng như Bộ TN&MT thông báo thì chính quyền địa phương nên xem xét lại mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Ông Hùng Anh cho rằng đây là một lượng thủy ngân lớn, cần thiết phải coi là thảm họa môi trường. Nếu chỉ đo đạc, quan trắc rồi cảnh báo chung chung thì nhiều người sẽ coi thường, ăn uống sinh hoạt quanh khu vực này rất nguy hiểm.

Theo GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam, việc cần làm là để cho các chuyên gia, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học VN bắt tay vào quan trắc, phân tích. Để từ đó, Hà Nội có cơ sở để đánh giá mức độ nguy hại, cũng như tìm giải pháp phù hợp nhằm khắc phục, xử lý hậu quả vụ cháy. Còn về việc Hà Nội đề nghị Viện phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, GS Hoàng Hải cho rằng hiện tại các nhà khoa học trong nước vẫn đủ điều kiện, năng lực để hoàn thành việc quan trắc này. Chỉ khi nào các kết quả không đồng nhất, hay không tìm ra được các giải pháp xử lý tối ưu, lúc đó mới cần sự vào cuộc của chuyên gia nước ngoài.

Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần điều tra về nguyên nhân cũng như trách nhiệm các bên liên quan trong vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Đây là một sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đời sống của nhân dân khu vực xung quanh. Phải nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tiến hành khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng việc các đơn vị chuyên môn cần làm ngay là phải dọn dẹp, tiêu huỷ những tàn, tro, xỉ từ vụ cháy, phải đưa những chất này vào container để ngăn cách, đảm bảo an toàn vì đây là chất thải nguy hại. Nếu lượng tồn dư trong đất vẫn còn lớn, các cơ quan chuyên môn không chỉ dọn dẹp tro trên bề mặt, mà còn phải xúc ở dưới đất để mang đi tiêu huỷ.

Cần tối thiểu 3 đơn vị phân tích độc lập

GS.TSKH Lưu Văn Bôi, nguyên Chủ nhiệm Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, cho rằng xử lý môi trường đã bị nhiễm thủy ngân mất rất nhiều thời gian bởi thủy ngân đã len lỏi vào đất, tuy nhiên chưa biết số lượng cụ thể đã phát tán ra môi trường là bao nhiêu. Thủy ngân có 3 dạng là thủy ngân kim loại, thủy ngân vô cơ và thủy ngân hữu cơ. Loại thủy ngân phát tán ra môi trường trong vụ cháy Công ty Rạng Đông là loại thủy ngân kim loại, độc hại nhất. Việc phân tích thủy ngân kim loai rất phức tạp vì nó đã chui xuống đất, nên phải làm rất nhiều mẫu và liên tục trong một khoảng thời gian dài mới có thể xác định được.

"Chúng tôi khi thí nghiệm với thuỷ ngân cũng phải rất thận trọng, luôn thực hiện trong hộp kín chứ không phải trong phòng thí nghiệm thông thường. Ngoài ra, kỹ thuật phân tích thuỷ ngân kim loại cũng rất phức tạp, tốn kém, vài ngày mới ra được kết quả. Lúc này, tôi nghĩ Bộ Tư lệnh Hoá học có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện được việc này. Các kết quả kiểm tra nhanh, quan trắc nhanh mà Sở TNMT Hà Nội hay Bộ TNMT công bố mới chỉ mang tính tương đối, muốn biết được chính xác môi trường có an toàn thì cần phân tích rất nhiều và quan trắc liên tục. Vài chục kg thuỷ ngân thì không phải là chuyện đơn giản nữa, lượng thuỷ ngân này đã thành bụi, phát tán vào không khí, đất, nước rồi nước ngầm. Vì vậy, người ta phải quan trắc, đánh giá liên tục, chứ đánh giá 5 hay 10 mẫu rồi bảo an toàn thì không khách quan về mặt khoa học", GS Bôi phân tích.

Về việc đề xuất biện pháp xử lý, tẩy độc khu vực quanh nhà máy Rạng Đông, GS. Lưu Văn Bôi nhận định đây sẽ là công việc khó khăn, vất vả và mất nhiều thời gian. Trong hoá học, để phân tích được thuỷ ngân kim loại trong các thành phần môi trường mất rất nhiều công sức. Hiện có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc đưa ra thông báo, kết luận, gây nhiễu loạn thông tin. Theo GS Bôi, cần thiết có sự vào cuộc của các nhà khoa học một cách độc lập, có sự khách quan, tối thiểu là có 3 đơn vị thực hiện quan trắc độc lập, sau đó cùng nhau đưa ra giải pháp khử độc thì mới có hiệu quả.

Sáng 10/9, kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy tại Rạng Đông không còn trên cổng thông tin điện tử của Bộ TNMT. Chiều 10/9, thông báo này xuất hiện trở lại nhưng đã chỉnh sửa. Thông báo hôm 6/9 ghi: "Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với sự đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng". Nhưng bản cập nhật đã bỏ các cụm từ "qua đấu tranh", "công ty mới thừa nhận". Theo thông cáo này, Rạng Đông có báo cáo về việc 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng.

Theo Đời sống
back to top