Ngăn được 50 vạn quân Thanh sắp sang đánh Đại Việt
Khi Nguyễn Huệ kéo quân về Nam, Võ Văn Dũng ở lại giữ Hà Tĩnh. Khi Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm tiến quân chiếm giữ Nghệ An, Võ Văn Dũng đặt dưới quyền chỉ huy của Vũ Văn Nhậm.
Khi Vũ Văn Nhậm chiếm được Thăng Long, Nhậm cử Võ Văn Dũng kéo quân về bình định xứ Hải Dương; sai Dũng kéo quân từ Hải Dương vượt qua sông, lấy hết đất Thái Bình và Tiên Hưng.
Lần thứ hai ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, trước khi về Nam, Nguyễn Huệ phong Võ Văn Dũng làm trấn thủ Hải Dương; được Nguyễn Huệ coi là “Tâm phúc của ta”. Khi đánh quân Thanh năm 1789, Võ Văn Dũng là đô đốc Hám hổ hầu đốc xuất hậu quân, làm đốc chiến.
Võ Văn Dũng là người được vua Quang Trung cử đi sứ vào những thời điểm quan trọng nhất. Ngày 18 tháng giêng năm Kỷ Dậu, Võ Văn Dũng đi sứ nhà Thanh lần thứ nhất. Đây là lần đi sứ rất hệ trọng làm nhiệm vụ giảng hoà với nhà Thanh.
Trong tờ biểu của vua Quang Trung viết, tuy một mặt vẫn xưng thần, nhưng mặt khác lại tỏ ra ngạo nghễ không chịu khuất. Trong tình huống vô cùng khó khăn ấy, thế mà Võ Văn Dũng đã hoàn thành sứ mệnh giảng hoà. Ngăn được 50 vạn quân Thanh sắp sang đánh Đại Việt, mở ra một thời kì giao thiệp hoà bình.
Đi sứ cầu hôn và xin đất
Khi vua Quang Trung trù tính việc đòi lại những phần đất biên giới mà các thổ quan nhà Thanh chiếm của Đại Việt những năm 1769; để thăm dò thái độ vua Càn Long, không những vua Quang Trung hỏi con gái vua Thanh làm vợ mà nhà vua còn xin nhà Thanh hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để làm đô nữa. Quang Trung giao việc này cho Đại đô đốc Võ Văn Dũng. Võ Văn Dũng mang hai tờ biểu, một tờ cầu hôn, một tờ xin đất làm đô. Đó là lần đi sứ thứ hai.
Theo gia phả họ Võ thì Võ Văn Dũng cầm đầu sứ đoàn đã đến Yên Kinh và được vào bệ kiến vua Càn Long. Võ Văn Dũng đã hoàn thành cả hai nhiệm vụ. Vấn đề cầu hôn, Dũng đặt chuyện nói với Càn Long rằng: An Nam quốc vương nay đã lớn tuổi mà hôn nhân vẫn chưa định.
Trong nước thì mọi người đều là thần tử cả, con gái các vua chúa láng giềng thì quốc vương lại không ưa. Vì vậy phải cầu đại hoàng đế ban cho một vị công chúa làm vương phi.
Vấn đề xin đất làm đô, Võ Văn Dũng trình bầy: An Nam quốc vương ở một nước hẻo lánh, đường bộ đường thuỷ đều không tiện mà vượng khí trong đô cũ đã hết rồi. Vì vậy phải xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để làm đô…
Cả hai việc chưa xong thì Quang Trung chết đột ngột, Võ Văn Dũng ở Bắc Hà, mọi quyền hành ở Phú Xuân đều nằm trong tay Bùi Đắc Tuyên. Năm 1793, Nguyễn Ánh đem quân đánh Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc cho người ra Phú Xuân cầu cứu. Bùi Đắc Tuyên cử Phạm Công Hưng đem quân vào giải vây cho Quy Nhơn rồi kéo quân vào thành, tịch thu kho tàng và binh khí.
Vua Thái đức Nguyễn Nhạc uất giận thổ ra máu mà chết. Trong khi đó Bùi Đắc Tuyên ở Phú Xuân ngày càng chuyên quyền ngang ngược. Sau khi vua Thái Đức chết, Tuyên lại càng hống hách không coi ai ra gì. Năm 1795, Tuyên gọi Võ Văn Dũng ở Bắc Hà về Phú Xuân và cho Ngô Văn Sở (được coi là người phe cánh của Tuyên) ra thay.
Võ Văn Dũng về đến trạm Hoàng Giang thì gặp Trần Văn Kỷ, đang bị Bùi Đắc Tuyên đầy ở đó. Kỷ nói với Dũng rằng: Thái sư chuyên quyền tác oai tác phúc, sẽ là điều bất lợi cho xã tắc; nếu không sớm trừ đi sau này hối cũng không kịp.
Nghe lời bàn của Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng gấp rút dẫn quân về Phú Xuân bí mật phối hợp với Nguyễn Văn Huấn, Phạm Công Hưng vây bắt Bùi Đắc Tuyên ngay ở cung của vua Cảnh Thịnh. Liền theo đó, Võ Văn Dũng cho làm chiếu giả ra Thăng Long bắt Ngô Văn Sở giải về Phú Xuân; lại sai vào Quy Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ là con Bùi Đắc Tuyên đang giữ chức lưu thủ ở đó cùng đồng đẳng hơn mười người đem dìm xuống sông cho chết cả. Dẹp trừ xong phe Bùi Đắc Tuyên, Dũng cho mời Trần Văn Kỷ ở Hoàng Giang về giữ chức Trung thư lệnh như trước.
(còn nữa)