Việt Nam cần nghiên cứu kỹ máy trợ thở

(khoahocdoisong.vn) - Thông tin GS Trần Văn Thọ sẽ chuyển giao công nghệ máy trợ thở cho Việt Nam để chống dịch Covid-19 rất đáng mừng. Song theo các chuyên gia, máy trợ thở không thay thế được máy thở để điều trị Covid-19.

3 tháng tới sẽ sản xuất 10.000 máy trợ thở

Trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, GS Trần Văn Thọ - Việt kiều tại Nhật Bản và hiện là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã kết nối với GS Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản và hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Metran, đơn vị chuyên sản xuất máy trợ thở. Theo GS Trần Văn Thọ, GS Trần Ngọc Phúc đã quyết định chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất máy trợ thở loại nhỏ cho Việt Nam chống dịch Covid-19. "Trước mắt, chúng ta sẽ sản xuất 2.000 chiếc và sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới. Trên thế giới, nước nào cũng thiếu loại máy này nên song song với đáp ứng nhu cầu trong nước, có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế", ông Thọ nói trên các phương tiện truyền thông.

Tại Việt Nam, với hơn 200 ca mắc Covid-19, hiện chưa xảy ra tình trạng thiếu máy thở. Trao đổi với báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện cả nước có khoảng gần 4.000 máy thở. Loại máy thở được GS Thọ nhắc tới thực chất là máy trợ thở, máy thở không xâm nhập, máy thở cao tần, khác với máy thở Việt Nam đang có.

BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, điều trị Covid-19, đảm bảo oxy cho bệnh nhân là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn, với nhiều biện pháp bao gồm liệu pháp oxy thông thường, liệu pháp oxy áp lực cao, thông khí không xâm lấn, thông khí xâm lấn, ECMO và các biện pháp liên quan khác. Khi bệnh nhân khó thở, ngay lập tức sử dụng máy trợ thở 2 tiếng, nếu không cải thiện chuyển sang máy thở, phác đồ nhấn mạnh máy thở là phương tiện chính.

Có thể làm lây lan virus?

Theo BS Trần Văn Phúc, máy trợ thở sẽ đưa đến mũi của bệnh nhân một luồng không khí đủ oxy với áp lực cao, người bệnh cũng phải thở ra với một áp lực cao tương ứng theo máy, trong khi mặt nạ chùm lên mũi không chắc chắn đảm bảo kín (do sự gồ ghề của khuôn mặt, do rách mặt nạ...), làm cho virus dễ phát tán ra môi trường bên ngoài, có thể gây tình trạng lây nhiễm chéo, đặc biệt là nguy cơ nhiễm bệnh cho nhân viên y tế. Để hạn chế lây nhiễm chéo, bệnh nhân Covid-19 khi dùng máy trợ thở, cần thiết phải nằm trong buồng điều trị áp lực âm đồng thời tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn.

Còn máy thở là máy đẩy không khí vào và hút không khí ra khỏi phổi, không khí luôn nằm trong một ống khí, luồng khí vào và khí ra luôn được lọc các tác nhân gây bệnh trong đó có virus. Máy trợ thở đơn giản hơn nhiều. Cả hai phiên bản máy trợ thở, là phiên bản máy ở bệnh viện và phiên bản máy sử dụng tại nhà, đều sử dụng nguyên lí tạo áp suất cao để đẩy không khí vào đường thở, thường là thông qua mặt nạ trùm lên mũi. Còn thêm các loại máy khác tiên tiến hơn, ví dụ như BiPAP, máy này tăng áp suất để đẩy không khí vào, nhưng sau đó giảm áp suất để cho phép không khí được thở ra. Máy trợ thở cũng lọc không khí vào và ra, lọc hết tác nhân gây bệnh, trong đó có virus. Tuy nhiên, máy trợ thở kết nối với bệnh nhân bằng mặt nạ úp lên mũi, nó không đảm bảo đủ kín, virus có thể bơm vào môi trường xung quanh.

 “Trong tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, nhiều bệnh viện đang thiếu máy thở trầm trọng, một số bác sĩ nảy sinh sáng kiến, dùng máy trợ thở nhưng bỏ mặt nạ, kết nối ống của máy trợ thở với ống nội khí quản. Đây là một sáng kiến rất có giá trị, bởi về nguyên tắc thì máy trợ thở vẫn cung cấp đủ oxy, nếu bỏ mặt nạ đi sẽ tạo hệ thống kín khắc phục tình trạng virus bị bơm vào không khí”, BS Trần Văn Phúc cho biết.

Do đó, theo BS Trần Văn Phúc, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn việc sản xuất máy trợ thở để điều trị Covid-19, tránh lãng phí không cần thiết.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top