Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực, các cấp, ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, chủ trì Phiên họp lần thứ 8, trọng tâm thảo luận về kinh tế số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng chỉ rõ việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn nhiều hạn chế, như: Sự quan tâm của các cấp, ngành về chuyển đổi số và công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có lúc, có nơi còn hạn chế; 390/1.086 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức;...

Phân tích các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ quán triệt 4 quan điểm phát triển kinh tế số.

Trong đó, việc chuyển đổi số phải quán triệt, bám sát và hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả; phát triển kinh tế số là đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam phù hợp xu thế phát triển hiện nay...

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, trên tinh thần “3 tăng cường,” “5 đẩy mạnh”.

"3 tăng cường" gồm: Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.

"5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số.

Đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.

Theo Đời sống
back to top