Một gia đình 5 người bị ngộ độc cá nóc: Phòng tránh thế nào?

Cá nóc có độc tố tetrodotoxin, khi ăn, người bệnh sẽ có biểu hiện tê cứng đầu lưỡi, mệt mỏi, hốt hoảng, yếu tứ chi, tụt huyết áp, mất ý thức, yếu liệt tay chân và có khả năng suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Cá nóc độc như thế nào?

Ngày 4/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, đang tiếp nhận điều trị 5 người trong cùng một gia đình ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có triệu chứng bị ngộ độc do ăn cá nóc.

Anh T.V.T (40 tuổi), ở thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn kể lại, tối 2/5, cả gia đình có 12 người cùng ăn tối, trong đó có món cá nóc. Sau vài tiếng thì anh cùng 4 người khác đều xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, đi ngoài.

Đến sáng 3/5, tình hình sức khỏe không tốt hơn nên cả 5 được người nhà đưa đi nhập viện ở Lý Sơn. Đến chiều cùng ngày, cả 5 người được đưa vào đất liền để điều trị.

Hiện có 4 người đang nằm điều trị tại khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và 1 người được điều trị tại Khoa Nhi tiêu hóa, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.

Các bác sĩ đang điều trị nạn nhân ăn cá nóc bị ngộ độc - Ảnh BVCC

Các bác sĩ đang điều trị nạn nhân ăn cá nóc bị ngộ độc - Ảnh BVCC

Các bác sĩ khuyến cáo, cá nóc là loại cá nguy hiểm, người dân không nên sử dụng làm thực phẩm chế biến món ăn. Do trong cá này có độc tố tetrodotoxin, khi ăn, người bệnh sẽ có biểu hiện tê cứng đầu lưỡi, mệt mỏi, hốt hoảng, yếu tứ chi, tụt huyết áp, mất ý thức, yếu liệt tay chân và có khả năng suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt mùa sinh sản, chất độc đó gọi là tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá đủ giết chết 30 người.

Nguyên nhân gây ngộ độc cá nóc

Ở Việt Nam, cá nóc còn được gọi là cá cóc, cá bống hoa, cá đùi gà. Bản thân con cá nóc không thể sinh tổng hợp được độc tố; chất tetraodotoxin trong cá nóc là do các vi khuẩn cộng sinh (symbiotic bacteria), chủ yếu là nhóm Pseudomonas và Vibrio vì một vài loại khác sinh tổng hợp ra. Do đó, nếu cá nóc được nuôi dưỡng cách ly thì độc tố không hiện diện.

Bình thường độc tố tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Khi cá bị ươn hoặc bị bầm dập, tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây độc. Đun sôi ở nhiệt độ 1.000C trong 6 giờ độc tố tetrodotoxin mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi hoàn toàn khi đun sôi 2.000C trong 10 phút. Vì thế, chúng ta không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thường.

Nguyên nhân ngộ độc từ cá nóc là do ăn phải nội tạng: gan, thận… và mắt, mang, da, máu có chứa độc tố Tetrodotoxin, chỉ cần 1-2mg độc tố này sẽ giết chết tính mạng. Độc tố này còn chứa nhiều ở nội tạng con sa giông, kỳ nhông, bạch tuộc vòng xanh…

Ngư dân thường chủ quan bỏ qua bước bảo quản cá nóc trước khi cắt bỏ phần chứa độc tố của chúng. Thực tế, khi đánh bắt, nhiều khi ngư dân để cá ươn, dập nát thành mớ hỗn độn, độc tố nhanh chóng ngấm vào thịt cá. Nên, bạn có cắt bỏ những bộ phận chứa độc tố ở cá nóc thì nguy cơ ngộ độc vẫn không thể tránh khỏi.

Cá nóc

Cá nóc

Nhằm loại bỏ độc tố, nhiều ngư dân sử dụng cách phơi khô. Thực tế, khi phơi khô cá nóc, độc tố Tetrodotoxin vẫn không bị giảm. Thậm chí nó còn có thể khiến bạn khi bị ngộ độc thêm qua tiếp xúc tay chân trong quá trình phơi cá, nếu sau đó bạn không vệ sinh sạch sẽ.

Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Vì thế, biện pháp ‘ăn chín uống sôi’ cá nóc là chưa đủ. Đun sôi ở nhiệt độ 100oC trong 6 giờ liên tục, độc tố mới giảm một nửa. Muốn độc tố hết hoàn toàn, bạn phải tăng tốc lên mức 200oC trong vòng 10 phút liên tục.

Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ủng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.

Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.

Cách xử lý ngộ độc cá nóc

Ngay khi thấy dấu hiệu ngộ độc đầu tiên như tê lưỡi, tê môi, tê ngón tay nhưng người bệnh vẫn còn tỉnh táo, hãy tìm mọi cách gây nôn cho người bệnh. Đơn giản nhất là hình thức móc họng, ngoáy họng bằng lông gà hoặc cho uống mùn thớt theo kinh nghiệm dân gian. Khi gây nôn cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, đầu thấp để tránh sặc.

Cho bệnh nhân uống than hoạt khi bệnh nhân còn tỉnh, chưa hôn mê. Người lớn uống 30g than hoạt pha với 250ml nước sạch quấy đều. Trẻ nhỏ từ 1 - 12 tuổi cho uống 25g pha với 100 - 200ml nước sạch quấy đều. Trẻ nhỏ dưới một năm cho uống theo liều lượng 1g than hoạt/1kg cân nặng cơ thể pha với 50ml nước sạch quấy đều. Than hoạt có tác dụng hấp thụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa. Nếu cho bệnh nhân uống sớm trong vòng một giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả cao.

Trường hợp người bệnh đã rối loạn ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở phải khẩn trương thổi ngạt đường miệng - miệng hay miệng - mũi.

Sau khi đã sơ cứu, cần nhanh chóng tìm cách đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Từ trước đến nay, ngộ độc do cá nóc chưa có loại thuốc đặc hiệu nào giải độc. Biện pháp chữa trị hiện nay chỉ là súc rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt tính thải bớt độc tố, hô hấp nhân tạo, truyền dịch nhằm tăng sức đề kháng cho người bệnh. Vì thế, ngộ độc khi ăn loại cá này vô cùng nguy hiểm.

Phòng tránh ngộ độc cá nóc

Ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người bị ngộ độc cá nóc bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ cá nóc.

- Loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá.

- Loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô.

- Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm các nóc khác để bán.

- Không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.

Theo Đời sống
back to top