Diễn biến dịch Covid-19 đang phức tạp khi xuất hiện các ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Một giải pháp đưa ra là xét nghiệm cộng đồng để phát hiện các ca dương tính, điều này có dễ thực hiện?
Cần làm xét nghiệm cộng đồng
Trước tình hình dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, xuất hiện những ổ dịch mới, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, cần phải làm xét nghiệm cộng đồng. Chống Covid-19 là phải đánh từ trong ra và chống từ ngoài vào, vì thế, phải làm xét nghiệm cộng đồng để sớm phát hiện những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời có giải pháp cách ly và điều trị. Vấn đề lo ngại vẫn là năng lực thực hiện xét nghiệm trong nước hiện còn hạn chế. Cả nước có tất cả 22 cơ sở xét nghiệm, trong đó, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm rộng rãi chưa thể đáp ứng được ngay.
PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư cho rằng, để thực hiện xét nghiệm cộng đồng chắc chắn rất tốn kém, cần khoản chi phí rất lớn và số nhân lực y tế tham gia rất đông. Việc xét nghiệm trong cộng đồng sẽ giúp phát hiện sớm và kịp thời cách ly, tránh nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh. Nhưng để thực hiện còn nhiều khó khăn do hệ thống trang thiết bị, test kit thử nhanh hiện chưa đáp ứng được, năng lực xét nghiệm của các cơ sở y tế còn hạn chế. Phải có đủ thiết bị, máy móc mới có thể làm xét nghiệm cộng đồng được.
“Xét nghiệm cộng đồng chỉ nên áp dụng với các vùng dịch, ổ dịch hoặc khoanh vùng những nơi có tình trạng nghi lây nhiễm phức tạp bởi nó cần đến một nguồn kinh phí rất lớn cùng với hệ thống y tế đầy đủ, phát triển. Nhưng đây đúng là giải pháp triệt để nhất để kiểm soát tình hình dịch bệnh hiện nay, tránh tình trạng bỏ sót các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Các đơn vị sản xuất kit thử nhanh phải hoạt động hết công suất, đầu tư tiền để nhập khẩu số lượng lớn kit test thử nhanh… thì mới đáp ứng được yêu cầu”, PGS.TS Phạm Thị Khoa cho biết.
Lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm
Xét nghiệm cộng đồng cũng là vấn đề được GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Úc) đề cập từ trước đó. Đây cũng là giải pháp hiệu quả giúp Hàn Quốc giảm tốc nhanh chóng sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, vị giáo sư cũng lưu ý Việt Nam không thể tiến hành xét nghiệm cộng đồng như Hàn Quốc, vì không đủ tài nguyên và kỹ thuật.
Cách làm hay nhất là dùng phương pháp thiết kế theo mô hình surveillance và số cỡ mẫu tối thiểu là 9.000 người. Theo mô hình surveillance, sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên theo phương pháp phân tầng. Cụ thể: Bước 1, chọn ngẫu nhiên một số phường trong thành phố sao cho đồng đều giữa các quận; bước 2 lên danh sách dân cư trong những phường được chọn; bước 3, lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng theo giới tính và độ tuổi; và bước 4 là làm xét nghiệm RC-PCT trên những người được chọn. Theo mô hình này, với thành phố có khoảng 10 triệu như TPHCM thì số người xét nghiệm sẽ phải khoảng trên 9.000 người.
Sáng 31/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Y tế lập 10 tổ công tác, bố trí 10 trạm test nhanh Covid-19 trên địa bàn, trước mắt sẽ thực hiện tại các phường quanh Bệnh viện Bạch Mai. Test này sẽ có kết quả trong 10 phút và thông qua việc lấy mẫu máu. Nếu ai đó dương tính với virus SARS-CoV-2 là chính xác, đây là test mà Hàn Quốc đã làm. 4 tổ công tác thực hiện test nhanh đầu tiên được lập ở Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) sáng 31/3 để thực hiện xét nghiệm cộng đồng.
Lãnh đạo Hà Nội cũng cho biết đã nhờ một nhóm chuyên gia người Việt ở Seoul, Hàn Quốc và New York, Mỹ thiết kế cung cấp cho Hà Nội 10 trạm là theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mỗi trạm này diện tích là 3x3m, có điện, wifi để làm việc được 24/24. Trước mắt Hà Nội sẽ thuê 10 trạm với giá từ 6 - 7 triệu đồng/tháng để ở các phường để phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm ngay.
Mô hình trạm test nhanh này là mô hình được Hàn Quốc thực hiện để khoanh vùng nhanh các ca mắc dịch. Vào thời gian cao điểm, Hàn Quốc test khoảng 18.000 mẫu/ngày. Với Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, cộng dồn cho tới 16 giờ chiều nay, 30/3, tổng số mẫu đã được xét nghiệm là 35.808 mẫu, tức là chỉ bằng số mẫu Hàn Quốc xét nghiệm trong 2 ngày, trong khi dịch ở Việt Nam đã xuất hiện được 2 tháng.