Tuyến tiền liệt là tuyến nằm dưới bàng quang ôm quanh cổ bàng quang và niệu đạo màng (niệu đạo tiền liệt tuyến). Phần niệu đạo xuyên dọc tiền liệt tuyến phân tiền liệt tuyến làm hai vùng, vùng trước là toàn bộ thùy trước và vùng sau gồm hai thùy thùy giữa và thùy sau.
Tiền liệt tuyến là tuyến có chức năng tiết dịch sinh dục để góp phần khoảng 20-25% thể tích tinh dịch, dịch của tiền liệt tuyến giúp bảo vệ và hỗ trợ tinh trùng di chuyển trong cả đường sinh dục nam và nữ.
Dịch tiết của tiền liệt tuyến có màu trắng đục nhớt có pH 6,5 giàu citrate, Zn, lipid, protease, polyamine, immunoglobine, proteine, fibrinolysin đặc biệt là PSA (prostate specific antigen) và các enzyme làm đông đặc. Chất Zn, acid citric và clorine có nồng độ cao đặc biệt.
Các enzyme đông đặc làm đông nhẹ tinh dịch sau khoảng 15-30 phút tinh dịch lại loãng trở lại nhờ fibrinolysin. Viêm tiền liệt tuyến là tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm gây nên cảm giác đau tức, sưng tấy và tiết dịch ra niệu đạo.
Viêm tiền liệt tuyến có thể do nhiễm trùng hoặc có thể không do nhiễm trùng.
Triệu chứng: Đau là triệu chứng hay gặp nhất, đau tức, nhức vùng bụng dưới, chậu hông đau lan xuống bìu ra dương vật; Rối loạn đi tiểu (tiểu đau, tiểu són và tiểu nhiều lần); tiết dịch niệu đạo (do quá trình viêm xuất tiết dịch viêm và dịch được thoát ra ngoài qua niệu đạo, thường dịch niệu đạo trong nhầy hoặc mủ loãng.
Lấy dịch trong lúc đang viêm có thể thấy được nguyên nhân gây bệnh viêm tiền liệt tuyến); Xuất tinh đau (cảm giác đau râm ran sau mỗi lần xuất tinh kéo dài khoảng nửa đến tiếng đồng hồ rồi giảm dần); Sốt khi có tình trạng nhiễm trùng từ tiền liệt tuyến lan rộng, có thể viêm tiền liệt tuyến rồi lan ra túi tinh, mào tinh hoàn, tinh hoàn…
Siêu âm thấy hình ảnh tuyến to ra và giảm âm nhưng thường cân đối và đều âm, trong viêm mạn thì cấu trúc âm không đồng đều có thể có những nốt vôi hóa hay khối hay nốt giảm âm.
Xét nghiệm nước tiểu: Nước tiểu được lấy qua hai cách lấy tiểu giữa dòng và lấy tiểu đầu dòng sau khi massage tiền liệt tuyến, phân tích nước tiểu này thấy số lượng bạch cầu tăng, có thể có Protein niệu kèm theo.
Soi cấy dịch niệu đạo có thể thấy các vi khuẩn gây bệnh như nấm, kí sinh trùng, Chlamydia, lậu và các loại cầu khuẩn, trực khuẩn, tạp khuẩn khác… Nuôi cấy và làm kháng sinh đồ để khẳng định kết quả.
Khi bị bệnh cần điều trị sớm theo nguyên nhân để tránh các biến chứng. Nguyên nhân nhiễm trùng dùng kháng sinh chống viêm sẽ khỏi trong 1-2 tuần, trường hợp viêm mạn tính phải dùng thuốc kéo dài hơn.
Nếu do lây nhiễm qua đường tình dục bắt buộc phải điều trị tất cả các bạn tình. Không do nhiễm trùng dùng giảm viêm giảm phù nề, giãn cơ cổ bàng quang, các biện pháp không đặc hiệu khác như giảm ăn chất kích thích, uống nhiều nước, tập cơ đáy chậu, ngâm nước ấm, massage…
BS Nguyễn Bá Hưng (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec)