Aron Yotyoi, 21 tuổi, được phát hiện đã tử vong tại ngôi nhà của mình ở tỉnh Chon Buri, Thái Lan vào đêm ngày 14/7 vừa qua.
Khi thi thể của Yotyoi được phát hiện, trên cơ thể của Yotyoi có vết bỏng ở xung quanh mặt và hai cánh tay, trong khi đó chiếc smartphone vẫn đang được cắm sạc đặt ở trên giường, còn Yotyoi đang mang tai nghe cắm vào smartphone.
Anh trai của Yotyoi, Weerayot Duanglaithong là người phát hiện ra thi thể của Yotyoi. Anh này cho biết đã lên phòng em trai mình để kiểm tra vì không thấy Yotyoi không xuống nhà để ăn tối. Khi lên đến phòng, Weerayot thấy cửa chính đã khóa nhưng khi gọi tên không thấy Yotyoi trả lời nên Weerayot đã phải trèo qua cửa sổ để kiểm tra tình hình thì phát hiện thấy em trai mình đang nằm trên giường với những dấu hiệu bị điện giật.
Weerayot thông báo tình trạng của em trai mình với những người khác trong gia đình và lập tức gọi điện cho cảnh sát.
“Tôi đã gõ cửa nhưng không thấy Yotyoi trả lời. Tôi đã nhìn qua cửa sổ thì thấy em trai mình nằm bất động trên giường”, Weerayot cho biết. “Ban đầu tôi không biết cậu ấy đã chết cho đến khi trèo qua cửa sổ và tiến đến gần để quan sát”.
Cảnh sát đã tiến hành điều tra vụ việc khi đến hiện trường và không có dấu hiệu nào cho thấy Yotyoi bị tấn công vật lý mà chỉ có những vết bỏng trên mặt và tay. Những kết luận ban đầu của cảnh sát cho biết chiếc smartphone đang cắm sạc đặt trên giường Yotyoi là nguyên do khiến thanh niên này bị giật điện và dẫn đến tử vong.
Cảnh sát dự đoán rằng Yotyoi đã bị tử vong hơn 6 giờ đồng hồ cho đến khi được phát hiện.
Đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp bị tử vong vì giật điện khi sử dụng smartphone đang cắm sạc hoặc thậm chí sử dụng tai nghe kết nối với smartphone đang sạc.
Cuối năm ngoái, Mohd Aidi Azzhar Zahrin, một thiếu niên 16 tuổi người Malaysia đã bị tử vong vì đeo tai nghe kết nối với một chiếc smartphone đang được cắm sạc. Nguyên nhân của cái chết sau đó được xác định là do điện giật đến từ chiếc điện thoại và dây sạc kém chất lượng.
Năm 2016, một thanh niên người Trung Quốc có tên Xiong Xuan cũng đã bị điện giật tử vong khi sử dụng cáp USB để kết nối chiếc smartphone của mình với máy tính để cắm sạc trong khi đang chuẩn bị rút dây kết nối giữa máy tính và smartphone sau khi sạc xong thì đã bị giật điện dẫn đến tử vong.
Trước đó vào tháng 7/2013, một tiếp viên hàng không 23 tuổi cũng sống tại Tân Cương đã tử vong vì gọi điện bằng chiếc iPhone 5 đang cắm sạc của mình và bị giật điện. Cuối tháng 11/2013, một trường hợp tương tự khi một người đàn ông sống tại Thái Lan cũng đã bị tử vong vì bị điện giật từ chiếc iPhone 4S đang cắm sạc trong khi đang nằm ngủ đưới đất.
Tháng 7/2014, một cô gái 18 tuổi khác sống tại Tân Cương cũng đã bị điện giật tử vong do sử dụng iPhone 4S đang cắm sạc.
Tại Việt Nam cũng đã từng ghi nhận một vài trường bị điện giật tử vong do điện thoại đang cắm sạc. Tháng 10/2015, một bé trai 13 tuổi sống tại quận Bình Tân, Tp.HCM bị tử vong do điện giật khi sử dụng điện thoại di động trong lúc đang cắm sạc, để lại sự tiếc thương cho gia đình và người thân. Ngoài trường hợp của bé trai kể trên, gần đây nhất vào tháng 9 vừa qua, chị Ngô Thị Liên (24 tuổi, trú tại xóm 1, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, Nghệ An), đang mang thai ở tháng thứ tư, đã bị điện giật tử vong trong khi sử dụng chiếc iPhone 3 đang cắm sạc.
Trên thực tế, việc vừa cắm sạc điện thoại/máy tính bảng vừa sử dụng là thói quen của không ít người. Tuy nhiên, đây là một thói quen nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn tử vong trong trường hợp thiết bị bị rò điện.