Vía Thần Tài, ăn gì cho may mắn cả năm?

Vào ngày vía Thần Tài, ngoài việc mua tích vàng để nhân đôi tài lộc nên quan tâm đến món ăn để cho may mắn cả năm.

Cách cúng vía Thần Tài mang lại tài lộc

Trong quan niệm dân gian, Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và tài lộc. Nếu gia đình nào được Thần Tài ghé thăm thì sẽ gặp được nhiều may mắn, đặc biệt nếu là dân kinh doanh sẽ vô cùng phát đạt, mua may bán đắt.

Chính vì vậy, vào ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng hàng năm, bên cạnh mua và tích trữ vàng để nhân đôi tài lộc, nhiều gia đình còn quan tâm đến việc ngày Thần Tài nên ăn gì cho may mắn cả năm.

Theo truyền thống, mâm cỗ cúng trong ngày vía Thần Tài là bộ tam sên gồm 1 miếng thịt ba chỉ luộc, 1 con cua luộc hoặc 3 con tôm luộc và 1 hoặc 3 quả trứng luộc. Ba lễ vật này tượng trưng cho các yếu tố: Thổ - miếng thịt heo (sống trên cạn), Thủy - con tôm/cua (sống dưới nước) và Thiên - trứng gà hoặc trứng vịt (đại diện loài có lông vũ bay trên trời).

Ngoài ra, một trong những lễ vật và cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày vía Thần Tài đó là cá lóc nướng. Cá lóc dâng lên Thần Tài phải được để nguyên con, không cạo vảy, không cắt vi, không cắt đuôi và được xiên bằng một cây mía rồi đem đi nướng trui.

Việc giữ nguyên trạng cá lóc như trên là để tưởng nhớ thời kỳ thiếu thốn, khó khăn của ông cha, không nề hà chuyện cá vảy cả con, miễn sao nuôi dưỡng được bản thân và đảm bảo được công việc.

Mâm cúng ngày vía Thần Tài - Ảnh minh họa

Mâm cúng ngày vía Thần Tài - Ảnh minh họa

Ngoài ra, tuỳ theo văn hoá mỗi vùng miền, mâm cúng ngày vía Thần Tài sẽ có những lễ vật khác nhau nhưng có thể sẽ có thêm những món dưới đây:

- 1 con cá lóc nướng nguyên con (với miền Nam)

- Hoa quả tươi: Chuối, cam, xoài, thanh long, táo, dưa hấu…

- 1 lọ hoa tươi (có nụ, có hương thơm càng tốt)

- 1 bộ giấy tiền, vàng mã

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối hạt

- 3 cốc nước, 2 chén rượu

- 2 cây đèn, 2 bát hương, khay vàng giấy

- 5 củ tỏi (mang ý nghĩa xua đuổi tà ma)

- Bát nước đầy rắc cánh hoa hồng ở trên (mang ý nghĩa giữ cho tiền bạc không bị trôi đi, thường được các gia đình đặt trên nền đất ngoài cùng ban thờ).

- Tượng Ông Cóc (đặt bên trái ban thờ với ý nghĩa đón sinh khí, tài lộc. Ban ngày quay tượng ra ngoài và tối quay vào trong).

Lưu ý gạo, muối sau khi cúng xong thì bỏ vào trong lọ và để trong nhà, không nên đổ đi. Lộc cúng chỉ nên cho người trong nhà, không được mang cho người ngoài. Rượu và nước sau khi đã cúng thì phải đem tưới xung quanh nhà.

Bánh kẹo đã cúng xong thì giữ lại 1 nửa để ăn, 1 nửa đem đi phát lộc. Vàng thật thì nên cất giữ bên mình để lấy may, còn tiền vàng mã đem đốt ở ngoài cổng.

Món cá lóc nướng có gì tốt mà ngày vía Thần Tài hay ăn?

Theo Đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, gân xương, trừ đàm (dùng tốt cho những trường hợp bị các bệnh phổi), giúp sản phụ tăng lượng sữa sau sinh, bồi bổ cho người mới khỏi bệnh vì đường tiêu hóa dễ hấp thu. Vì lẽ đó, cá lóc không chỉ được dùng làm thực phẩm mà còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bệnh.

Cá lóc chữa nhiều bệnh

Cá lóc chữa nhiều bệnh

Chữa cảm lạnh: Cá lóc (500g) làm sạch, luộc hoặc nướng gỡ lấy thịt, xào hành mỡ cho thơm. Gạo tẻ ngon (200g) nấu nhừ sau đó cho cá vào nấu sôi lên. Khi ăn múc ra tô cho thêm gừng, hành, tiêu, nước mắm, bột ngọt vừa đủ. Ăn nóng cho ra mồ hôi.

Các vị trên phối hợp thành món cháo ngon bổ tỳ vị, giải phong hàn. Món ăn này rất tốt với người bị cảm lạnh, sợ gió, đau đầu nghẹt mũi, ho đờm nhiều.

Hỗ trợ điều trị huyết áp: Cá lóc làm sạch, luộc lấy thịt: 100g, rau cần ta: 150g, gia vị gồm gừng, hành, tiêu, mắm muối, nấu canh ăn vài lần/tuần.

Đây là món canh ngon bổ âm dưỡng huyết, thanh hỏa, rất tốt với người có bệnh tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt, ù tai khó ngủ. Ngoài ra, cá lóc nấu với hoa lý, rau đắng, ăn đều tốt.

Ngăn ngừa thiếu máu: Giống như nhiều loại cá khác, một số thành phần dinh dưỡng trong cá lóc bao gồm sắt, vitamin B12 và axit folic có thể tăng sản xuất hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu và suy nhược cơ thể.

Cải thiện sức khỏe xương khớp: Thịt cá lóc chứa nhiều canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa bệnh còi xương, loãng xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.

BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược TP HCM)

Theo Đời sống
back to top