Bệnh viện huyện miền núi cứu sống người bệnh đột quỵ trong “giờ vàng”

Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã được hiện thực hóa tại tỉnh Hà Giang.

Với những “hạt mầm” tốt, “trái ngọt” ban đầu đầu đã được “thu hoạch” tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình.

Làm chủ kỹ thuật Tiêu sợi huyết cứu bệnh nhân đột quỵ giờ thứ nhất

Bệnh nhân nam, 78 tuổi, nhập Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Quang Bình, Hà Giang, vì liệt nửa người trái, nói khó, tiếp xúc chậm, liệt mặt bên trái. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ biết bệnh nhân từng bị nhồi máu não tháng 5/2022. Ngay khi tiếp nhận và đánh giá các chỉ số lâm sàng, kíp trực bước đầu nhận định bệnh nhân bị đột quỵ trong giờ thứ nhất. Bệnh nhân ngay lập tức được chụp CT sọ não để xác định. Kết quả cho thấy chẩn đoán ban đầu hoàn toàn đúng.

Với những kiến thức được đào tạo, chuyển giao, BSCKI Vũ Thị Mị nhận định, đây là ca đột quỵ nhồi máu não đến viện trong “giờ vàng”. Bệnh nhân đủ điều kiện để sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu. Bác sĩ Mị cũng xin ý kiến hội chẩn với bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khẳng định chẩn đoán và tiến hành tiêu sợi huyết cho bệnh nhân.

Bệnh viện huyện miền núi cứu sống người bệnh đột quỵ trong “giờ vàng” ảnh 1

Bệnh viện huyện miền núi cứu sống người bệnh đột quỵ trong “giờ vàng”

Nói về quá trình điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Mị chia sẻ, trong suốt thời gian tiếp cận, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, kíp kỹ thuật đều khẩn trương, nhanh chóng, để không làm mất quá nhiều thời gian điều trị cho bệnh nhân. Sự kết nối, tác chiến giữa các bộ phận liên quan được thông suốt, kịp thời.

Vì bệnh nhân có ổ nhồi máu cũ, nguy cơ về biến chứng sau tiêu sợi huyết sẽ cao hơn. Do vậy, trong suốt quá trình tiêu sợi huyết, các y, bác sĩ và điều dưỡng theo dõi người bệnh sát sao. Khi nhận thấy những dấu hiệu hồi phục của bệnh nhân, bác sĩ và gia đình người bệnh đều vui mừng.

PGS.TS Mai Duy Tôn và các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế của Hà Giang, giúp thành lập nhiều đơn vị chống đột quỵ tại tuyến huyện - Ảnh BVCC

PGS.TS Mai Duy Tôn và các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế của Hà Giang, giúp thành lập nhiều đơn vị chống đột quỵ tại tuyến huyện - Ảnh BVCC

BSCKII Hoàng Hải Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình, thông tin, trước đây, bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân đến vì đột quỵ và phải chuyển lên tuyến trên. Từ khi được tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, bác sĩ của bệnh viện tự tin làm chủ kỹ thuật và điều trị cho người bệnh.

Đây là ca bệnh đầu tiên được sử dụng kỹ thuật tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết thành công tại bệnh viện, giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt, hoà nhập cộng đồng, tránh được di chứng nặng nề về sau.

“Thành công của việc điều trị kịp ‘giờ vàng’ giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, tự đứng dậy đi lại. Đây là bước tiến vượt bậc đối với y tế tuyến huyện miền núi. Đồng thời, ca bệnh này lan tỏa công tác tuyên truyền phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đột quỵ, góp phần cứu chữa nhiều trường hợp đột quỵ hơn nữa”, bác sĩ Võ nói.

Khi nhận được tin báo từ học trò - đồng nghiệp của mình về việc tự tin làm chủ kỹ thuật tiêu sợi huyết cứu sống được bệnh nhân, PGS.TSBS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, vui mừng khôn xiết.

“Học trò làm chủ kỹ thuật, bệnh nhân được điều trị kịp thời, không để lại di chứng là hạnh phúc của tất cả người thầy, kiêm thầy thuốc chúng tôi. Gánh chữ ‘Thầy’ trên vai là niềm tự hào nhưng cũng là trọng trách không nhẹ”, PGS.TS.BS Mai Duy Tôn tâm sự.

Khoa cấp cứu đơn vị đột quỵ tại bệnh viện huyện Quang Bình, Hà Giang

Khoa cấp cứu đơn vị đột quỵ tại bệnh viện huyện Quang Bình, Hà Giang

Người dân miền núi yên tâm với y tế tuyến cơ sở

Quang Bình là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà Giang, mật độ dân cư thưa thớt, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn. Người dân Quang Bình muốn đến Bệnh viện huyện khám có thể mất nửa ngày, nơi xa nhất cách Trung tâm huyện lỵ 40 km, nhiều đoạn phải đi bộ.

Chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Bình lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang nhanh cũng phải 2 tiếng với điều kiện đường thông thoáng, không bị mưa lũ, sạt lở núi. Trở ngại về giao thông, địa lý hiểm trở khiến nhiều người dân khó có cơ hội tiếp cận y tế chuyên sâu.

Từ góc độ nhà quản lý, thấu hiểu thực tế và khó khăn của y tế tuyến cơ sở, BSCKII Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, cho rằng, với quãng đường di chuyển xa, người bệnh ở vùng sâu không may bị đột quỵ, gần như tất cả đều đánh mất “giờ vàng” sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Nếu bác sĩ tuyến huyện chưa được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, cách nhận định, thái độ xử trí rất dễ làm bệnh nhân mất cơ hội được điều trị kịp thời.

Xuất phát từ thực tế đó, Đề án “Nghiên cứu nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang” do Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp Sở Khoa học Công nghệ và Sở Y tế tỉnh Hà Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang được triển khai.

Chương trình tập huấn, đào tạo được thực hiện ở Bệnh viện Đồng Văn, Bệnh viện Vị Xuyên, Bệnh viện khu vực huyện Hoàng Su Phì và Bệnh viện Quang Bình. Sau 3 tháng đào tạo nghiêm túc, các học viên trải qua kỳ đánh giá và thi thực hành rất gắt gao, nghiêm túc. Kết quả, 4 kíp của 4 Bệnh viện huyện đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ chuyên môn.

Bệnh viện Đa khoa Quang Bình được Sở Y tế tỉnh Hà Giang phê duyệt dịch vụ kỹ thuật này và đã lĩnh được thuốc về khoa để sẵn sàng triển khai. Tính từ thời điểm kết thúc đào tạo, 4 tháng sau, Bệnh viện Đa khoa Quang Bình đã làm chủ được kỹ thuật tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết và triển khai thành công trên bệnh nhân đầu tiên vào ngày 1/8/2024. Kỹ thuật diễn ra an toàn, thuận lợi, đạt kết quả ngoài sự mong đợi của tất cả mọi người.

Bệnh viện Bạch Mai ký kết hợp tác hỗ trợ toàn diện về y tế cho tỉnh Hà Giang ngày 8/12/2023.

Bệnh viện Bạch Mai ký kết hợp tác hỗ trợ toàn diện về y tế cho tỉnh Hà Giang ngày 8/12/2023.

Đánh giá về thành công bước đầu này, BSCKII Nguyễn Quốc Dũng vui mừng chia sẻ: Bệnh viện tuyến huyện ở Hà Giang triển khai thành công kỹ thuật khai thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết chính là thành tựu to lớn của chuyên ngành đột quỵ nói chung, Ban chủ nhiệm đề tài nói riêng, đánh dấu bước phát triển sâu rộng của Hệ thống mạng lưới cơ sở điều trị đột quỵ.

Trên cơ sở kỹ thuật tiêu sợi huyết cần thực hiện trong “giờ vàng”, mà khoảng cách từ người dân đến cơ sở y tế tuyến tỉnh (nơi có thể thực hiện được các kỹ thuật tái thông mạch) quá xa, thời gian di chuyển đã quá “giờ vàng”, việc chuyển giao kỹ thuật tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết đã bộc lộ rõ những ưu điểm to lớn.

“Bệnh nhân đột quỵ não vốn phụ thuộc hoàn toàn ‘thời gian vàng’, chỉ trong 4,5 giờ với điều trị thuốc tiêu huyết khối và 6 giờ đầu với điều trị lấy huyết khối. Với địa hình xa xôi và hẻo lánh, trắc trở của các huyện nơi địa đầu Tổ quốc thuộc Hà Giang, việc đưa người dân không may bị đột quỵ đến được bệnh viện tỉnh Hà Giang trong giờ vàng đã muôn vàn khó khăn.

Nếu bệnh nhân muốn đến Thủ đô để ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết hay lấy huyết khối - với thời gian di chuyển khoảng 10 tiếng - thì đã qua mất ‘giờ vàng’, mất đi cơ hội của người bệnh”, PGS.TS Mai Duy Tôn nói.

Theo Đời sống
Thông tàu hỏa chạy qua cầu Đuống, cầu Long Biên

Thông tàu hỏa chạy qua cầu Đuống, cầu Long Biên

Ngay sau khi mực nước sông Hồng và sông Đuống giảm, VNR đã thử tải và kiểm tra tàu chạy qua các cây cầu này, để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, sau đó mới quyết định mở hoạt động trở lại.
back to top