Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ghi: "Thần Tài là một vị thần trong tín ngưỡng Việt Nam và một số nước phương Đông. Theo truyền thuyết, Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà.
Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn. Người ta thường vẽ ông hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái. Người đời vẽ ông trên một cái đĩa làm bằng kim loại trên bàn thờ để thờ cúng.
Vía Thần Tài là tín ngưỡng phương Đông được lưu truyền vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Năm Giáp Thìn 2024, ngày vía thần Tài rơi vào thứ Hai, ngày 19/2 Dương lịch. Vào ngày này, nhiều gia đình, hộ kinh doanh, chủ cửa hàng, doanh nghiệp chú tâm chuẩn bị cho lễ cúng đủ đầy để thần Tài gõ cửa, mang lại tài lộc, sung túc và may mắn.
Ảnh minh họa (Int). |
Xuất xứ từ "Thần Tài"
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trong bộ sách Đại Nam quấc âm tự vị của tác giả Huình Tịnh Paulus Của ấn hành năm 1896 không có chữ Thần Tài, nhưng có chữ "Thần Đất" chú thích cho mục "thổ thần", và được giảng nghĩa là "thần giữ tiền bạc". Tuy nhiên, bên cạnh đó có mục "tài thần" thì ông Paulus Của không giảng nghĩa mà ghi chú "ít dùng".
Khi đặt vấn đề nguồn gốc ngày mùng 10 tháng giêng gắn với quan niệm vía Thần Tài như lâu nay, và hiện nay xuất hiện ý kiến cho rằng mùng 10 là vía Thần Đất chứ không phải Thần Tài, ông Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng điều này có xuất xứ từ trước tác của Đông Phương Sóc (học giả thời Hán Vũ Đế) nói về quan niệm sáng thế (sự sinh thành trời đất và các loài) của người Trung Quốc.
"Theo đó, mùng 1 sinh ra giống gà, mùng 2 sinh thêm chó, mùng 3 sinh heo (lợn), mùng 4 sinh dê, mùng 5 sinh trâu, mùng 6 sinh ngựa, mùng 7 sinh ra loài người, mùng 8 sinh ra các loại ngũ cốc, đến mùng 9 sinh trời, mùng 10 sinh đất. Theo đó, ngày vía là ngày sinh của vị thần. Và như vậy, vía Thần Đất chính là ngày mùng 10 tháng giêng: ngày "địa sinh".
Theo quan niệm này còn có lệ xem ngày mùng 10 tháng 5 là ngày "địa lạp".
Nhưng theo quan niệm của người Trung Hoa và rộng ra là vòng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ở khu vực Á Đông, thì trong triết lý ngũ hành quan niệm: thổ sinh kim. Tức là đất sinh ra tiền bạc của cải (như cách hiểu của Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị kể trên), do vậy mà xuất hiện tục thờ ông Thần Tài.
Cũng theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, về mặt hình tượng, tượng Thần Tài được thờ tại các gia đình người Việt lâu nay giống với mẫu đồ tượng "Thổ Địa phúc đức chánh thần" trong số các tượng thờ của Trung Quốc.
"Tuy nhiên, cùng với đời sống doanh thương phát triển, ông Thần Tài được coi trọng như là một tất yếu. Và ngày nay tại các gia đình, người ta cũng thờ chung cả hai tượng Thổ Địa và Thần Tài tại một ban thờ chính là thể hiện quan niệm "tiền bạc sinh ra từ đất" hay "Thần Đất chính là thần giữ của".
Những hoạt động thường thấy trong ngày vía thần Tài
Vào ngày này, những gia đình, cơ sở kinh doanh coi trọng việc thờ cúng thần Tài thường có các hoạt động sau:
Cúng thần Tài
Việc cúng vía thần Tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng nhằm cảm tạ sự giúp đỡ mà thần thời gian qua, đồng thời cầu xin thần tiếp tục ban tài lộc trong năm nay, việc làm ăn buôn bán gặp nhiều thuận lợi.
Lễ vật cúng Thần Tài thường bao gồm: Nến, hương, nước (3 chén), rượu (3 chén), gạo tẻ, tiền vàng mã, muối, hoa tươi, mâm ngũ quả, trầu cau và có thể thêm một mâm cỗ mặn.
Tùy từng vùng miền và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà mâm cỗ mặn được chuẩn bị khác nhau. Nhiều gia đình dâng bộ tam sên gồm thịt lợn luộc (thịt lợn phải có cả mỡ, nạc, da), 3 quả trứng luộc, 3 con tôm. Mâm cỗ cúng thần Tài của người miền Nam thường có món cá lóc nướng hoặc heo quay bánh hỏi.
Mua vàng
Nhiều người thường đi mua vàng vào ngày thần Tài để cầu may mắn, phát tài, phát lộc. Họ mua vàng cũng là để cúng trả lễ cho thần Tài, tạ ơn thần năm qua giúp cho việc làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt.
Trước đây, chỉ những người kinh doanh buôn bán mới mua vàng vào ngày 10 tháng Giêng với mục đích cầu tài lộc. Những năm gần đây, nhiều người khác cũng theo trào lưu này.
Mua đồ phong thủy
Vào ngày vía thần Tài, nhiều người mua thêm những món đồ phong thủy như đá phong thủy, tượng thiềm thừ... để mong cầu một năm làm ăn phát đạt và thêm sung túc, may mắn.
Mua mèo thần Tài
Không chỉ mua vàng, nhiều người còn mua mèo thần Tài vào ngày này với mong muốn nhiều tài lộc, gặp may mắn trong công việc, buôn bán thuận buồm xuôi gió.
Những khung giờ tốt trong ngày vía Thần tài 2024
Thật ra, ngày 10 mỗi tháng Âm lịch đều được xem là ngày cúng vía Thần tài. Tuy nhiên, trong một năm, ngày vía Thần tài của tháng Giêng là quan trọng nhất vì đây là tháng đầu năm. Với quan điểm đầu xuôi đuôi lọt, mọi người tin rằng ngày này nếu được Thần tài phù hộ thì cả năm việc làm ăn sẽ xuôi chèo mát mái.
Theo các chuyên gia phong thủy, trong năm Giáp Thìn, các khung giờ đẹp cúng vía Thần tài 2024 vào ngày mùng 10 tháng Giêng bao gồm: giờ Mão (5 - 7h), giờ Tỵ (9 - 11h) và giờ Thân (15 - 17h).
Vào các khung giờ trên, gia chủ mang vàng, bạc đi qua cổng chính, cửa chính đặt vào nơi tài vị để két sắt, nơi thường xuyên để tiền của gia đình để có một năm mới đón nhiều tài lộc, may mắn, phát đạt.