Vi sóng điều trị ung thư đại trực tràng di căn gan

20-25% bệnh nhân (BN) ung thư đại trực tràng  (UTĐTT) được chẩn đoán ở giai đoạn đã có di căn gan và có khoảng 20-30% BN sẽ tiến triển di căn gan sau điều trị. Đốt u bằng vi sóng là phương pháp điều trị tại chỗ cao giúp kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.
ung thu đại trực tràng

Đốt vi sóng cho BN UTĐTT di căn gan tại Bệnh viện 19-8.

Chẩn đoán đã có di căn gan

Ông Trần Văn Hưng, 62 tuổi (Phú Thọ) khi phát hiện ra UTĐTT đã có di căn gan. Điều đáng nói là không phải chỉ có một khối u ở gan mà ông có tới 5 u di căn ở cả hai phân thùy gan không thể phẫu thuật, tiên lượng sống khoảng 3- 6 tháng.

Ông được chỉ định điều trị vi sóng kết hợp với hóa chất toàn thân và xạ trị. Sau khi đốt kiểm tra định kỳ 3 tháng, khối u di căn của ông đã hoại tử hết và hiện tại sau gần 2 năm ông vẫn sống khỏe.

TS Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc BV 19.8 cho biết, UTĐTT là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và đứng thứ tư về tỷ lệ tử vong ở cả 2 giới.

Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 8700 ca mắc mới và 5900 ca tử vong. Mặc dù với sự tiến bộ của các phương pháp chẩn đoán phát hiện bệnh sớm nhưng vẫn có đến 20-25% BN UTĐTT được chẩn đoán ở giai đoạn đã có di căn gan và có khoảng 20-30% sẽ tiến triển di căn gan sau điều trị.

Tính chung cho BN UTĐTT di căn gan ≥ 70%. Di căn gan cũng được coi là nguyên nhân gây tử vong chính của bệnh, nếu không được điều trị thời gian sống thêm trung bình ít hơn 12 tháng.

Kết hợp điều trị nâng thời gian sống lên > 3 năm

Theo TS Trần Quốc Hùng mặc dù phẫu thuật cắt bỏ tổn thương di căn gan được coi là phương pháp điều trị triệt căn và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất nhưng chỉ 20 – 25% BN di căn gan có chỉ định mổ.

Để phẫu thuật, BN phải đủ khả năng chịu đựng một cuộc mổ lớn, có gây mê và khả năng mất máu nhiều. Thể tích gan còn lại sau mổ, phải đảm bảo được chức năng, không gây suy gan.

Đặc biệt có tới 84% UTĐTT tái phát có di căn gan. Tỷ lệ BN tái phát sau điều trị cao là một khó khăn để lựa chọn phẫu thuật do tính chất xâm lấn, dính sau mổ đại tràng lần thứ nhất nên rất khó thực hiện.

Các BN không mổ được có thể lựa chọn hóa chất toàn thân đơn thuần hoặc hóa chất toàn thân kết hợp cùng các phương pháp điều trị tại chỗ như: hóa chất động mạch gan, tia xạ, đốt u gan bằng nhiệt song cao tần, vi sóng, tiêm cồn ethanol, tắc mạch nuôi u gan…

TS Trần Quốc Hùng cho biết, ngày nay đốt tổn thương di căn gan từ UTĐTT kết hợp với các phương pháp điều trị toàn thân bằng các phác đồ hóa chất đã được coi là một phương pháp điều trị chuẩn cho các BN UTĐTT di căn gan không có chỉ định phẫu thuật hoặc không đồng ý mổ.

Tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện 19.8 đã thực hiện đốt u gan bằng vi sóng (MWA) kết hợp với hóa chất và xạ trị cho BN.

BN được chỉ định phương pháp này là những người có u gan kích thước ≤ 5cm. BN không phải gây mê chỉ cần gây tê.

Dưới sự hướng dẫn của siêu âm các bác sĩ sẽ chọn anten theo kích thước khối u và đưa xuyên da vào vị trí khối u để phá hủy dần từng phần cho tới hết.

Sau khi tiến hành kỹ thuật, định kỳ 3 tháng BN chụp CTscanner có tiêm thuốc cản quang đánh giá đáp ứng và theo dõi tái phát.

Kết quả thực hiện trên 25 BN cho thấy, 84% đạt được đáp ứng hoàn toàn sau 1 lần đốt và 16% đáp ứng một phần phần đốt lại lần thứ 2 và 1 BN phải đốt lại lần 3.

Sự thay đổi nồng độ CEA trước và sau điều trị cũng thể hiện một phần sự đáp ứng với phương pháp điều trị. Tỷ lệ BN có tăng nồng độ CEA > 10ng/ml sau điều trị giảm từ 56% xuống còn 44%.

Hơn nữa, thời gian sống thêm toàn bộ là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả điều trị.

Trong 25 trường hợp được điều trị, thời gian sống thêm toàn bộ là 35,44 tháng, ước tính thời điểm 40 tháng tỷ lệ này là 45%.

Điều đó cho thấy, việc kết hợp hóa chất toàn thân và điều trị tại chỗ ổ di căn gan bằng đốt vi sóng mang lại lợi ích đáng kể về sống thêm ở nhóm BN UTĐTT di căn gan.

Thúy Nga 

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top