Theo thông tin từ viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ngày 4/1/2018, số lượng dự trữ máu của Viện chỉ còn 6.910 đơn vị, trong đó nhóm máu O chỉ còn 1.295 đơn vị (18,7% tổng lượng máu dự trữ). Trong khi đó, số lượng nhóm máu O phải đảm bảo tối thiểu chiếm 45% lượng máu dự trữ. Tình trạng khan hiếm nhóm máu O thời điểm này đã ở mức “báo động”.
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho hay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm nhóm máu O. Thống kê cho thấy, số lượng người có nhóm máu O chiếm 43 – 45% dân số. Vì vậy, số bệnh nhân mang nhóm máu O cũng tương đương. Do nguyên nhân khách quan, số lượng bệnh nhân cần nhóm máu O tăng lên đột biến dẫn tới thiếu.
Trong khi đó, công tác tiếp nhận người hiến máu, số người tới hiến máu được thực hiện thường xuyên, nhưng số lượng người mang nhóm máu O tới hiến không nhiều.
Nguyễn Thị Hải Yến tham gia hiến máu tình nguyện.
“Mỗi ngày, Viện cung cấp khoảng 1.500 đơn vị máu cho 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong đó, nhóm máu O phải cần tối thiểu 45% tổng lượng máu, tương đương gần 700 đơn vị máu mỗi ngày. Nếu số lượng máu O chỉ đạt 18,7% tổng lượng máu dự trữ, chỉ sau 2 ngày có thể hết nguồn cung cấp máu cho bệnh nhân”, TS. Khánh nói.
TS Khánh cho biết thêm, tình trạng khan hiếm máu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt vào dịp trước Tết và sau Tết Nguyên đán.
Chính vì thế, để giải quyết tình trạng thiếu nhóm máu O, TS. Khánh đã đưa ra một số giải pháp trước mắt như kêu gọi người nhà hiến máu để điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân đang điều trị có thể trì hoãn việc truyền máu mà không ảnh hưởng tới sức khỏe, để ưu tiên cho những bệnh nhân cần máu trước. Bệnh nhân chỉ thiếu sắt sẽ được bổ sung sắt tăng cường sản sinh máu trong cơ thể thay vì truyền từ nguồn bên ngoài.
Có mặt tại viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vào ngày 8/1, có rất đông người tới đây tham gia hiến máu tình nguyện. Đa phần trong số họ là người có nhóm máu O.
Nguyễn Thị Hải Yến – sinh viên trường đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp cũng có mặt tại Viện từ sớm để tham gia hiến máu tình nguyện.
Yến cho biết, đây là lần đầu tiên em tham gia hiến máu. Lần đăng ký trước của Yến đã không được, bởi khi đó Yến đang bị ốm. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Em luôn tâm niệm về điều đó. Nhìn hình ảnh những em bé bị bệnh tan máu bẩm sinh với gương mặt xanh xao, nhợt nhạt… chờ được hiến máu, em không cầm lòng được.
Em hy vọng, mỗi chúng ta, những ai đủ điều kiện hiến máu, hãy nghĩ tới những số phận ấy để góp thêm một hành động thiện nguyện giúp các em cũng như gia đình các em vượt qua chặng đường khó khăn phía trước.
Và khi em hiến máu, ngay trên giường em nằm là dòng chữ mà chị Cẩm Hà (26 tuổi) có chia sẻ: “Cảm ơn bạn đã giữ tôi lại cuộc sống này!”. Thực sự rất xúc động”, Yến chia sẻ.
Và chúng tôi thực sự bị ám ảnh bởi tâm sự của Nguyễn Thị Nhân (30 tuổi, Long Biên, Hà Nội), người có hai con gái cùng mắc căn bệnh này. Chị Nhân nghẹn ngào: “Hai con gái nhà tôi đều nhóm máu O. Cuộc sống của gia đình tôi giờ ở viện nhiều hơn ở nhà. Tháng nào cũng như tháng nào, hết đưa đứa chị lại đến đứa em vào viện. Thương con đứt từng khúc ruột. Mấy hôm trước không có máu để truyền, chỉ còn cách là bố mẹ hiến máu để đổi lấy máu truyền cho con. Bố hiến được, còn mẹ thì không đủ điều kiện để hiến máu. Cuối cùng, đành lòng ưu tiên cho đứa có chỉ số huyết sắc tố (HST) trong hồng cầu thấp hơn để truyền. Đứa em sau một tuần sốt thì mặt xanh lét, bố mẹ đành ưu tiên cho con. Thật may, cuối cùng khoa cũng xin được một suất cho đứa chị”.
Cũng theo chia sẻ của chị Nhân, cuối năm rồi, máu càng khan hiếm hơn, những bệnh nhân lay lắt chờ máu là khổ. Hôm qua ở Viện, có bé, chỉ số HST xuống rất thấp, lấy máu xét nghiệm là máu loãng chỉ còn nhờ người. Người của bé trắng bệch, chỉ quấy và khóc. Thế mà chỉ cần 2 bịch máu vào lại tươi như hoa, hát véo von ngay. Mẹ cháu đùa “khi xuống thì khóc lóc, khi về thì hát ca” khiến cả phòng vừa buồn cười vừa thương.
“Máu cần lắm, bao nhiêu người cần để duy trì sự sống, bao nhiêu đứa trẻ cần để đến trường. Mọi người đừng ngại ngần khi nghĩ đến làm việc thiện, hãy nghĩ đến hiến máu đầu tiên nhé”, chị Nhân nhắn nhủ.
Mai Nguyễn (tổng hợp)