Hồ Quý Ly.
Lời thề của Hồ Quý Ly
Trần Phế Đế thấy Thượng hoàng quá tin dùng Quý Ly, mới bàn với thái úy Trần Ngạc, con trưởng Trần Nghệ Tông rằng, nếu không trừ đi ắt thành vạ to. Chuyện đến tai Quý Ly, Phế Đế bị buộc cổ cho chết, Trần Nghệ Tông lập con út là Chiêm Định vương Ngung làm Hoàng đế, tức vua Trần Thuận Tông, vua thứ 11 (1378 – 1399) vào năm 1388.
Một năm sau, Thuận Tông lập con gái lớn của Quý Ly và công chúa Huy Ninh là Khâm Thánh làm Hoàng hậu. Mối quan hệ này là bước tiếp theo đưa đến kết cục của nhà Trần và tạo điều kiện tiếm ngôi nhanh chóng của Quý Ly.
Trước đây, khi Trần Nghệ Tông giết vua Trần Phế Đế, định lập Trần Ngạc làm vua, nhưng Quý Ly lại lừa Nghệ Tông lập vua Thuận Tông. Ngạc có hiềm khích với Quý Ly, sợ bị giết, liền bỏ chạy.
Nghệ Tông sai tướng Nguyễn Nhân Liệt bắt về, Quý Ly ngầm ra lệnh giết Trần Ngạc, về sau Thượng hoàng tỉnh ngộ, hỏi ai ra lệnh giết Trần Ngạc, Nguyễn Nhân Liệt sợ nên thắt cổ chết.
Năm 1394, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông bệnh nặng, biết được dã tâm của Quý Ly nên sai người vẽ bức tranh Tứ phụ, lấy các tích cổ việc Chu Công giúp Chu Thành vương, Hoắc Quang giúp Hán Chiêu đế, Gia Cát Lượng giúp Thục Hán Hậu chúa, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông, có ý răn đe Quý Ly trợ giúp Thuận Tông cũng nên như thế và từ bỏ dã tâm.
Thượng hoàng ban đêm lại nằm mơ thấy Duệ Tông về đọc cho bài thơ, nên suy ngẫm cho đó là điềm Quý Ly lấy mất ngôi vị nhà Trần, nhưng lúc này không thể làm gì được nữa.
Tháng 4, Nghệ Tông gọi Quý Ly vào mà nói rằng: Bình chương là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua.
Quý Ly cởi mũ, khấu đầu khóc lóc mà thề rằng: “Nếu hạ thần không hết lòng, hết sức giúp nhà vua, thì trời tru đất diệt…!”
Từng bước nắm quyền
Tháng 12 năm 1394, Thượng hoàng Nghệ Tông băng hà. Năm sau, Quý Ly lên làm Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù vàng.
Ông cho người dịch thiên Vô Dật ra chữ Nôm để dạy Thuận Tông và tự xưng là Phụ Chính Cai Giáo hoàng đế. Vua cho Quý Ly ở bên hữu sảnh, đài gọi là Họa Lư.
Năm 1397, Quý Ly sai viên quan Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, ý muốn di chuyển kinh đô về đó. Phạm Cự Luận và Nguyễn Nhữ Thuyết can, Quý Ly không nghe liền bỏ Thuyết không dùng, điều mưu sĩ Phạm Cự Luận đi đánh quân phản loạn ở Tuyên Quang bị thua trận chết.
Tháng 11, Quý Ly bức vua Thuận Tông dời kinh đô về Thanh Hóa, cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm nói mật với vua rằng dời đô thế nào cũng bị cướp ngôi, Quý Ly cho giết cả.
Năm 1398, Quý Ly bức vua Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử An, tức vua Thiếu đế (vua thứ 12), lúc ấy mới 3 tuổi, còn mình tự xưng Khâm Đức Hưng liệt Đại vương.
Đến năm 1399, lại sai giết Thuận Tông. Các tôn thất là Thái bảo Trần Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân lập mưu giết Quý Ly, việc không thành, 370 người đồng mưu đều bị giết.
Tháng 6, năm 1399, Quý Ly tự xưng làm Quốc Tổ Chương Hoàng, vào ở cung Nhân Thọ, điềm nhiên mặc áo vàng, ra vào hoàng cung theo lệ như hoàng đế, dùng 12 cái lọng vàng.
Con là Hán Thương xưng Nhiếp thái phó, ở bên hữu điện Hoàng Nguyên. Nguyên Trừng làm Tư đồ. Bảng văn thì đề là Phụng Nhiếp chính Quốc tổ Chương Hoàng, chỉ xưng là “dư” mà chưa dám xưng “trẫm”.
(còn nữa)
Nguyễn Trung Thành