Vì sao đột quỵ tăng cao ở người trẻ?

“Có tới 1/3 số người đột quỵ trẻ tuổi và con số này gia tăng nhanh chóng. Chỉ có 20% người có thể phục hồi khỏe mạnh và trở lại làm việc được”, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện tim mạch quốc gia cho biết.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình cứ 6 người, một người có nguy cơ đột quỵ. Tỷ lệ người trẻ và người trung niên 40-45 chiếm khoảng 1/3. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm. Đặc biệt, số lượng người trẻ tuổi 20, thậm chí dưới 20 tuổi cũng xuất hiện nhiều.

Yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm tăng huyết áp (60-75%), vữa xơ động mạch (35%), bệnh lý van tim (12-15%), đái tháo đường (15-25%), rối loạn lipid máu (40-57%), nghiện thuốc lá (30-35%), nghiện rượu (25-30%), béo phì, thiếu máu não thoảng qua (15%)...

Người trẻ tuổi dễ đột quỵ

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, đột quỵ để lại những hệ lụy rất lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội. Theo nghiên cứu, cứ 100 người đột quỵ thì có 20 – 25 người tử vong, 25 người nằm liệt giường cần người chăm sóc, 20 người phục hồi khỏe mạnh có thể tiếp tục làm việc, số còn lại hồi phục nhưng vẫn yếu hoặc liệt một phần.

Những người bị đột quỵ trẻ thường là trụ cột, lao động chính trong gia đình. Khi đột quỵ xảy ra đã lấy đi của gia đình và xã hội một nguồn lực vô giá. Đặc biệt, bản thân người bệnh phải đối mặt với một tương lai bất định, mang trong mình bệnh tật… nhiều người trầm cảm vì từ trụ cột, giờ đã thành phế nhân.

Lý giải nguyên nhân đột quỵ gia tăng ở người trẻ, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho biết, ngoài các nguyên nhân đột quỵ như của người cao tuổi, bệnh lý về dị dạng mạch máu não thì hiện nay bệnh lý động mạch vành tiến triển âm thầm nhưng gây ra cái chết đột ngột ở người trẻ. Đây chính là tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim thường được nhắc đến.

PGS.TS Hùng phân tích, nguyên nhân của tình trạng này ngoài tình trạng bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa, đái tháo đường, mỡ máu và thói quen hút thuốc lá, thuốc lào… thì việc ăn thoải mái, không chú trọng tới dinh dưỡng, uống nhiều rượu bia và không quan tâm tới sức khỏe… khiến bệnh tật phát sinh.

Ghi nhận ở nước ta, người trẻ còn thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Có khoảng 50% không biết mình bị bệnh, 1/3 số người biết bị bệnh tăng huyết áp nhưng không điều trị và 50% điều trị không đạt huyết áp mục tiêu dưới 140/90 mmHg.

Á hậu Hong Kong có tên Kit, một huấn luyện viên thể hình và yoga, vừa bị đột quỵ do chứng phình động mạch não trái. Sau khi phẫu thuật, Kit mất khả năng ngôn ngữ, liệt một bên cơ thể và phải di chuyển bằng xe lăn.

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa tai biến

Bệnh lý tim mạch nói chung và đột quỵ nói riêng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các cách đơn giản thông qua lối sống và sinh hoạt hàng ngày.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, homocysteine là nguyên nhân gây suy động mạch vành, đột quỵ, nhồi máu và lú lẫn. Hàm lượng homocysteine cao là do thiếu vitamin B12, B6 acid folic. Vì vậy, bổ sung thực phẩm acid folic, vitamin B6, vitamin B12 sẽ làm giảm nhanh chóng sự có mặt của homocysteine và như vậy sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ...

Acid folic là chất có hiệu quả nhất làm giảm homocysteine trong máu. Thực phẩm giàu acid folic gồm: Ngũ cốc, đậu lăng, rau bina (cải bó xôi) , súp lơ, măng tây, dưa vàng, trứng...

Ngoài ra, trong chế độ ăn chú ý ăn nhiều loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc; ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường... để phòng tránh bệnh tim mạch, mỡ máu, tiểu đường.

Cần luyện tập thể dục 30 phút hằng ngày, vì tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

Thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ, nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.

Bài thuốc ‘quý” phục hồi sau tai biến

Nước trúc lịch, gừng tươi: Lấy 1 – 2 thìa cà phê nước trúc lịch (nước lấy từ cây tre non bằng cách chặt tre tươi về, cắt thành từng đoạn, nướng lên và vắt lấy nước. Hoặc uốn cong cây tre non buộc cọc ghìm vào miệng chai hoặc bình để một đêm nước sẽ chảy vào chai) thêm chút nước gừng vào trộn đều, chiêu bằng nước sôi hoặc nước cơm. Tác dụng: chữa chứng đột quỵ với các triệu chứng chính là: khó nói, đờm nhiều, hoa mắt, chóng mặt.

Thuốc sắc: Phòng phong 9g, phụ phiến 6g, thiên ma 6g, toan táo nhân 9g, linh dương giác (bao) 4,5g, quế tâm (tán bột hòa vào uống) 3g, khương hoạt 9g, cam thảo 3g, huyền sâm 9g, thạch xương bồ 6g, thêm 400ml nước, sắc còn 200ml, thêm nước trúc lịch 1ml, nước cốt gừng 1ml, trộn đều, chia làm 2 lần. Cách một giờ uống một lần. Tác dụng: Khu phong, trừ đờm, trấn kinh, an thần, điều hoà âm dương, thông khiếu. Trị di chứng đột quỵ, hàm răng nghiến chặt, không nói được.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top