Vì sao Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 thất bại?

(khoahocdoisong.vn) - Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 31/12/2010. Thời gian thực hiện là 10 năm, nhưng thời gian thực lại chỉ có hơn 6 năm. Theo Bộ KH&CN, đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều mục tiêu của chương trình không đạt được.

Do cơ chế tài chính?

Theo tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Chương trình 2020), việc triển khai chương trình thời gian qua gặp một số khó khăn nhất định, một số mục tiêu cũng như nội dung của Chương trình chưa thể triển khai. Nguyên nhân chưa triển khai được các nội dung liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và đào tạo nhân lực là do các cơ chế tài chính hiện hành không hỗ trợ được việc thực hiện các nhiệm vụ. Cho đến nay, việc xây dựng hạ tầng phụ thuộc vào kế hoạch trung hạn và dài hạn của các bộ, ngành, địa phương nên việc đề xuất các dự án không thực hiện được. Chế độ tài chính cho chuyên gia và cho đào tạo nhân lực công nghệ cao đều phải thực hiện như quy định đối với khu vực công lập nên không hấp dẫn doanh  nghiệp và không hấp dẫn với chính các cơ sở đào tạo nói chung.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, một số dự án đã phải điều chỉnh cả về sản phẩm và quy mô, tuy nhiên điều này xuất phát từ nguyên nhân khách quan từ đòi hỏi của thực tiễn thị trường vì các sản phẩm đầu ra phải luôn thích ứng với nhu cầu của thị trường có nhiều biến động. Nguyên nhân nữa là chương trình được phê duyệt 10 năm (từ cuối  năm 2010 đến 2020) nhưng thời gian triển khai thực tế chỉ khoảng 6 năm, do việc ban hành hệ thống các văn bản phục vụ chương trình như các quyết định Thủ tướng cho các chương trình thành phần, các thông tư hướng dẫn quản lý, thông tư hướng dẫn tài chính đến năm 2013 mới hoàn thành. Việc kêu gọi các dự án chỉ được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2019 , chính vì vậy thời gian không đủ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cho giai đoạn cuối.

Tuy vậy, trong phần “Sự cần thiết triển khai Chương trình giai đoạn 2021 – 2030” của Tờ trình về việc ban hành phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 có nêu rõ, các kết quả triển khai đến thời điểm hiện tại cho thấy chương trình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, có những tác động nổi bật đến các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong phạm vi cả nước, cần tiếp tục triển khai, nhân rộng, tăng cường thu hút sự tham gia của các viện, trường, nhà khoa học cùng doanh  nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ để tiến tới sản xuất sản phẩm quy mô công nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

Đề xuất tiếp tục triển khai cho giai đoạn 2021-2030 để đảm bảo yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam bước vào cuộc CMCM 4.0 với nhiều cơ hội bứt phá trên nền tảng công nghệ cao. Kinh nghiệm  cho thấy một số nhiệm vụ, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực y – dược, thời gian triển khai thường đòi hỏi dài (đến 5 năm hoặc kéo dài hơn), chính vì vậy việc triển khai chương trình với thời gian 10 năm là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Loại bỏ mục tiêu khó đạt

Theo tờ trình dự thảo thì Chương trình 2030 chỉ còn lại 3 mục tiêu thay vì 4 mục tiêu như ở Chương trình 2020. Cụ thể 3 mục tiêu gồm: a) Nghiên cứu, phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả trong hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh  nghiệp. (Trong Chương trình 2020 thì mục tiêu là tạo ra được 10 công nghệ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực).

 b) Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2025, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhằm giải quyết các nhiệm vụ chủ chốt trong kinh tê – xã hội, an ninh quốc phòng. (Nhiệm vụ này giống hệt với nhiệm vụ b) trong Chương trình 2020).

c) Xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển tham gia thực hiện Chương trình với tổng kinh phí huy động ngoài ngân sách nhà nước tối thiểu đạt 6000 tỷ đồng, xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm. (Nhiệm vụ này cũng giống gần hết với nhiệm vụ c) trong Chương trình 2020, chỉ khác phần kinh phí huy động vốn ngoài ngân sách).

Mục tiêu “xây dựng và phát triển khoảng 40 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và cơ sở hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Hình thành và phát triển 50 tập thể nghiên cứu khoa học mạnh về công nghệ có các công trình nghiên cứu về công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Phát triển được 20 cơ sở đào tạo nhân lực về công nghệ cao đạt trình độ quốc tế” trong Chương trình 2020 đã bị xóa bỏ trong Chương trình 2030.

Ông Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN cho rằng, việc cần thiết phải tiếp tục chương trình là đúng, nhưng phải trên tinh thần mới. Trong bản dự thảo tờ trình có đánh giá tổng quan kết quả thực hiện chương trình 2020, tuy có nhiều khó khăn nhưng công bằng mà nói cũng đã có một số kết quả đáng khích lệ, dù chưa đúng như mục tiêu đề ra và mong muốn. Vấn đề là từ kết quả đạt được và chưa được, cần phải xem lại những khó khăn vướng mắc, cái gì chưa đạt được?

“Một số mục tiêu cũng như nội dung chương trình chưa đạt, một số nội dung chưa triển khai cụ thể như xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao không thực hiện được. Đây là những nhiệm vụ rất cơ bản mà không thực hiện chỉ vì cơ chế tài chính không hỗ trợ. Tôi cho rằng nó không thể chấp nhận được”, ông Đoàn Năng cho biết.

Theo ông Năng, để triển khai chương trình mới thì cần vạch ra được đâu là khó khăn, cách tháo gỡ như thế nào. Nhiều mục tiêu không đạt được nhưng Bộ KH&CN lại chưa làm rõ nguyên nhân thực sự do đâu, bản chất ở đâu, có nguyên nhân chủ quan không hay chỉ có các nguyên nhân khách quan thôi. “. Tại sao vướng mắc như thế mà bao nhiêu năm nay ta không có động thái tháo gỡ khó khăn đó? Nếu cứ tiếp cách làm cũ, không có rút kinh  nghiệm, đột phá,  thì dù có xây dựng chương trình mới cũng không giải quyết được vấn đề gì. 

Nhóm PV

Theo Đời sống
back to top