Chương trình tới năm 2020: 4/4 mục tiêu đều không đạt
Ngày 3/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (Chương trình 2030). Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã có mặt tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc, TS Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, ban tổ chức có gửi giấy mời đến Bộ KH&CN nhưng không hiểu vì sao không có ai đến dự. Tuy nhiên, khi hội thảo khai mạc được hơn 1 tiếng thì ông Lý Hoàng Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN mới có mặt.
Theo Bộ KH&CN, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành liên quan, một số doanh nghiệp sản xuất, tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà khoa học xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.
Đây là hoạt động triển khai quyết định của Chính phủ về phát triển công nghệ cao giai đoạn sau 2020. Trước đó, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 được triển khai từ năm 2010 với một số mục tiêu cụ thể, gồm:
- Nghiên cứu, làm chủ, phát triển tạo ra các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Tạo ra được ít nhất 1 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
- Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiện ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2015, tạo ra các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, giải quyết các nhiệm vụ chủ chốt trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
- Hình thành và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm.
-Xây dựng và phát triển khoảng 40 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và cơ sở hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Hình thành và phát triển 50 tập thể nghiên cứu khoa học mạnh về công nghệ có các công trình nghiên cứu về công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Phát triển được 20 cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ quốc tế.
Tuy nhiên, cả 4 mục tiêu này đều không đạt. Theo đó, mục tiêu nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực được ưu tiên là hoàn toàn khả thi. Nhưng mục tiêu tạo ra được ít nhất 10 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực là khó.
Đối với mục tiêu ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thì cần thay đổi tổng giá trị sản xuất công nghiệp bằng GDP để thuận lợi hơn cho việc tổng hợp số liệu tính toán.
Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cũng không đạt mục tiêu đề ra cho đến năm 2020. Và mục tiêu xây dựng các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao chủ yếu được hình thành trong các khu công nghệ cao cũng không khả thi. Do hiện cơ sở pháp lý cho việc hình thành cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao đã đầy đủ. Nhưng cơ chế chính sách ưu đãi với vườn ươm còn hạn chế. Hầu hết các vườn ươm đều trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị, nhưng ngân sách cho nội dung này thì lại không có.
Nhưng Chương trình tới 2030 lại sao chép Chương trình 2020?
Trong khi rất nhiều mục tiêu của Chương trình 2020 chưa đạt, thì Bộ KH&CN tiếp tục xây dựng Chương trình 2030 mà không nhắc đến khắc phục các nguyên nhân gây không đạt để có giải pháp hoàn thành được Chương trình 2030...
Theo ông Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, khá bất ngờ là khi đọc Chương trình 2030 có tới có đến 90% nội dung, mục tiêu trùng với Chương trình 2020.
Cẩn thận, ông Hà đánh dấu bằng màu sắc từng nội dung copy nguyên trạng của Chương trình 2020. Đây là điều theo ông Hà là “rất khó hiểu”. Bởi cho đến nay tổng kết lại thì các mục tiêu của Chương trình 2020 là không đạt, nay lại tiếp tục đưa vào mục tiêu cho Chương trình 2023. Ngoài ra ở Chương trình 2030 hoàn toàn không có danh mục các đề án phục vụ cho nội dung để đạt mục tiêu
“Về mặt phương pháp luận, Chương trình 2030 chưa có định lượng rõ ràng. Trước đây (thời điểm xây dựng Chương trình 2020 – PV), ta chưa hình dung được công nghệ cao, chưa có độ đo của đóng góp giá trị gia tăng của công nghệ cao với phát triển kinh tế xã hội thì có thể ghi chung chung về nội dung. Còn bây giờ thì không thể làm giống hệt như thế. Đáng lẽ nếu tiếp tục thực hiện chương trình thì cần thể hiện tính đột phá, tiến bộ so với Chương trình 2020 chứ không thể bê nguyên vào” - ông Mai Hà nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng cho rằng việc giống nhau đến phần lớn nội dung của hai chương trình "là điều không nên". Tất nhiên ở Chương trình 2030 có một vài điểm, từ ngữ có sự chỉnh sửa như thay vì đặt mục tiêu đến năm 2030 có 10 công nghệ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thì đổi thành có 10 công nghệ đạt trình độ tiên tiến thế giới. Nội dung của Chương trình 2030 mà Bộ KH&CN soạn thảo cho thấy tồn tại nhiều vấn đề. Ông Dinh cho rằng, người soạn thảo Chương trình như một người máy, không có sáng tạo, đột phá trong suy nghĩ.
“Trong 10 năm qua đã có nhiều thay đổi, đặc biệt Việt Nam từ nước có thu nhập kém thành trung bình, khát vọng của Việt Nam cũng thay đổi nhiều... thì không thể xây dựng một chương trình cấp quốc gia mà lại giữ nguyên tư duy cũ, cách làm cũ.
Ngoài ra, trong Chương trình 2030 không thấy bóng dáng các trường đại học, mà nhấn mạnh quá nhiều vào cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Trong khi công nghệ cao nằm ở tri thức là chính, mà tri thức thì nằm trong nhà trường. Rồi không thấy vai trò của các khu công nghệ cao trong Chương trình trong khi đáng lẽ Khu công nghệ cao đáng lẽ phải là nòng cốt” - PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu vấn đề.
KH&ĐS sẽ tiếp tục về vấn đề này trong các số báo tới.