Vì sao các nhà máy không bán được điện cho EVN?

“Các chủ đầu tư đã không làm đúng quy trình; bỏ tiền ra xây dựng dự án, mà không biết bán điện cho ai”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long nói.

Trao đổi về vấn đề các nhà máy điện không thể bán điện cho EVN, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, theo quy định, trước khi thực hiện một dự án sản xuất nguồn điện, chủ đầu tư phải đạt được thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện với một đơn vị mua điện - ở đây có thể là EVN, hoặc một khách hàng nào đó.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

“Có thể các chủ đầu tư không làm đúng quy trình; bỏ tiền ra xây dựng dự án. Khi xong, lại không biết bán điện cho ai. EVN không nhận mua với giá cả không hợp lý. Do đó, các chủ đầu tư cần lưu ý và thực hiện đúng quy định tìm khách hàng trước, ký được hợp đồng mua bán điện rồi hãy bắt tay đầu tư", GS.VS.TSKH Trần Đình Long nói.

Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long, chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo của nước ta là chủ trương đúng đắn, mang lại lợi ích quốc gia và thực tế đã phát huy tác dụng khá tốt. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các chủ đầu tư đổ xô vào xây dựng dự án điện gió, điện mặt trời mà không có sự tính toán kỹ lưỡng. Chẳng hạn, ở một số khu vực như Nam Trung bộ, lưới điện của EVN không đáp ứng yêu cầu tải điện hoặc quá tải, nhưng dự án điện vẫn cứ mọc lên dẫn đến bài toán hạ tầng truyền tải. Do đó, những dự án điện phải được trình duyệt đúng quy định và người phê duyệt dự án cũng phải cân nhắc đến khả năng tải điện của lưới điện ở khu vực nhà máy.

Nhà nước nên cho phép các chủ đầu tư nguồn điện mặt trời, điện gió tham gia vào xây dựng, phát triển một số lưới điện liên quan đến việc tải công suất nguồn điện này. Trường hợp EVN không đủ sức tăng cường lưới theo yêu cầu thì các nhà đầu tư nên lập các dự án để tham gia vào xây dựng lưới điện. Trước hết cần phải sửa đổi luật truyền tải điện, cho phép các công ty tư nhân tham gia một phần đầu tư mở rộng lưới điện, giải quyết nhu cầu phát điện của các nhà máy này.

Ở một số nước, chủ đầu tư phát triển nguồn điện sẽ tìm khách hàng và ký hợp đồng mua bán trực tiếp. Nếu không có lưới điện thì sẽ thuê EVN làm dịch vụ truyền tải và có giá phí. Tức là không bắt buộc khách hàng phải là EVN, mà có thể bán lại cho các khách hàng khác qua kênh tải điện của EVN.

36 nhà đầu tư điện sạch ký văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện với điện gió, điện mặt trời làm các nhà máy điện đã đầu tư xong, không thể bán điện cho EVN.

Theo Đời sống
back to top