Vì sao Bộ Công an "xem lại" vụ đấu giá 7 triệu tấn quặng sắt nghèo của VTM?

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Công an cho biết sẽ tiến hành xác minh làm rõ những dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ đấu giá  7 triệu tấn quặng thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM).

Có dấu hiệu bán quặng gía rẻ

Ngày 21/4 vừa qua, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM) đã bán đấu giá 7 triệu tấn quặng sắt, chia làm 3 lô. Tổng giá trị mà VTM thu về là hơn 1.600 tỷ đồng.

Cụ thể, VTM đã đấu giá lô quặng deluvi nguyên khai với số lượng hơn 4,9 triệu tấn, đơn giá khởi điểm là 117.500 đồng/tấn, tổng thành tiền gần 584 tỷ đồng. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Tiến Đại Phát (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) do ông Ngô Tiến Cương đại diện pháp luật. Mức giá trúng toàn bộ lô quặng trên là hơn 653 tỷ đồng, tương ứng 133.000 đồng/tấn.

Còn lại 2 lô quặng limonit với tổng số lượng 1,8 triệu tấn cũng được đấu giá thành công. Đơn vị trúng là Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (địa chỉ tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) trúng 800.000 tấn, với tổng số tiền là 428,8 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trúng 1 triệu tấn với giá 546 tỷ đồng.

Như vậy là cả hai doanh nghiệp này tham gia 2 phiên đấu giá khác nhau, nhưng đều trúng với đơn giá 546.000 đồng/tấn.

Đáng chú ý, phiên đấu giá này có những vấn đề chưa rõ ràng, có thể gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Cụ thể, với mức giá 133.000 đồng/tấn quặng leluvi và 546.000 đồng/tấn quặng limonit chỉ bằng 2/3 giá thị trường hiện nay. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu quặng sắt trung bình trong 9 tháng năm 2019 là 33,6USD/tấn (khoảng 786.000 đồng/tấn) và giá trong nước hiện nay cao hơn giá xuất khẩu.

Ngoài ra, tại thời điểm đấu giá, chỉ có 2 đơn vị là Công ty CP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát đến từ Hải Phòng và Doanh nghiệp tư nhân Hải Linh đến từ Hải Dương tham gia cuộc đấu giá này. Cuộc đấu giá cũng kết thúc sau 45 phút triển khai.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này lâu năm và nhiều năm qua vẫn mua hàng của VTM đã rất ngạc nhiên khi biết doanh nghiệp này bán đấu giá khổi lượng quặng lớn với giá như vậy.

VTM là doanh nghiệp liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Công ty Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh, Trung Quốc (KISC).

Doanh nghiệp này được thành lập để làm pháp nhân thực hiện hợp đồng nguyên tắc xuất khẩu quặng sắt cho phía Trung Quốc để đổi lấy than luyện cốc và cốc luyện kim phục vụ Nhà máy gang théo Lào Cai.

Theo giấy phép khai thác được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp năm 2007, VTM được phép khai thác 34,5 triệu tấn quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa, công suất khai thác tối đa 3 triệu tấn/năm, thời gian khai thác đến hết năm 2020.

Vội vàng đấu giá

Thực tế, việc đấu giá của VTM được lên kế hoạch và tiến hành trong một thời gian rất ngắn.

Cụ thể, chỉ sau khi về làm Tổng Giám đốc VTM hơn 1 tuần, ông Nguyễn Tiến Dũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai đề nghị hướng dẫn phương án đấu giá số quặng này.

Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 20/3/2020, ông Dũng tiếp tục ký văn bản gửi Hội đồng thành viên Thép Việt Trung xin chấp thuận chủ trương đấu giá.

Đến ngày 21/4/2020, việc đấu giá đã được tiến hành, và tiến hành chỉ trong vòng 45 phút.

Đáng lưu ý hơn, việc đề nghị hướng dẫn hay xin chủ trương của VTM diễn ra trong khi Bộ TNMT và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có những văn bản cảnh báo đối với dự án.

Cụ thể, văn bản báo cáo Thủ tướng của BộTNMT ngày 7/4/2020 nêu rõ: Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung khai thác mỏ sắt Quý Xa nhưng cung cấp chưa đến 30% công suất cho Nhà máy Gang thép Lào Cai. Quặng sắt tinh tại mỏ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa nhập đối lưu than coke. Do đó, việc sử dụng, tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa không phù hợp quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, không đúng yêu cầu địa chỉ sử dụng quặng sắt...

Còn theo công văn của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản gửi VTM ngày 27/3/202 cũng đề nghị trong thời gian chờ Thủ tướng cho ý kiến về sử dụng quặng sắt của mỏ theo quy hoạch và dự kiến nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, đề nghị VTM điều chỉnh công suất khai thác của mỏ theo hướng chỉ cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Với những lý do trên, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã chỉ đạo người đại diện vốn của mình tại VTM thực hiện các quy trình cần thiết để hủy kết quả vụ đấu giá quặng nói trên.

Công nghệ chế biến không có, vẫn tranh mua quặng hàm lượng thấp

Thông tin từ Viện Khoa Học Và Công Nghệ Mỏ - Luyện Kim (Bộ Công thương), quặng deluvi mỏ Quý Xa là loại quặng sắt hàm lượng thấp (50%), chiếm chỉ khoảng 5% trữ lượng toàn mỏ và là loại quặng khó tuyển. Công nghệ trong nước hiện nay không phù hợp đề sàng lọc và làm giàu quặng deluvi vì chi phí cao, không hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng các hệ thống lò cao, có thể tinh luyện loại quặng này, nên quặng deluvi được đưa vào như 1 phần đối lưu của hợp đồng đổi quặng lấy than coke của VTM. 

Đầu năm 2020, Lào Cai đã yêu cầu dừng xuất khẩu quặng do giá xuất khẩu thấp hơn giá trong nước.

Tiến Đại Phát trúng 2 lô quặng của VTM?

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát – đơn vị trúng thầu 1 triệu tấn quặng limonit với giá 546 tỷ đồng – là doanh nghiệp TNHH hai thành viên. Hiện doanh nghiệp này còn 7 thành viên góp vốn, với vốn điều lệ trên 228 tỷ đồng.

Tuy nhiên, danh sách các cá nhân có liên quan tại công ty này, có tên ông Ngô Tiến Cương – người đại diện của Công ty TNHH Tiến Đại Phát (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) – doanh nghiệp đã trúng thầu 4,9 triệu tấn quặng deluvi nguyên khai với mức giá 653 tỷ đồng.

Theo Đời sống
Đốt cỏ rác, hại chết cây xanh!

Đốt cỏ rác, hại chết cây xanh!

Những ngày đầu tháng 11/2024, khi lưu thông trên đường Mê Linh (H.Mê Linh, Hà Nội) nhiều người cảm thấy xót xa khi nhìn thấy hàng cây xanh đã khá lớn trồng ở bên lề, đoạn dài hàng trăm mét bị cháy rụi và đang trong giai đoạn chết dần.
Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Cá nhân có các hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ chịu các mức xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 của Chính phủ.
back to top