Theo ThS.BS Diệp Quế Trinh, Phó trưởng khoa Khoa Phỏng -Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bệnh nhi 11 tuổi ở Cà Mau được tiếp nhận trong tình trạng vùng đầu bị vết thương khá lớn, mất gần hết lớp da đầu, lộ một phần sọ não kích thước khoảng 10 x 20cm.
Các bác sĩ hội chẩn và thực hiện 3 lần mổ gồm mổ cấp cứu cắt lọc phần mô, cơ dập nát cho bệnh nhi, ghép một phần da mỏng; phần da đầu tổn thương còn cân cơ được ghép da. Đặc biệt, đối với phần đầu mất hoàn toàn mạch máu, lộ sọ, các bác sĩ tiến hành mổ lấy da đùi ghép phủ vết thương lộ ở vùng đầu. Ca mổ ghép da từ đùi lên phần sọ mất da đã được hỗ trợ từ các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.
Bệnh nhi bị mất hơn nửa diện tích da đầu đã hồi phục sau 3 lần ghép da và 6 tuần. |
“Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM thực hiện kỹ thuật vi phẫu - nối mạch máu trong chuyển vạt tự do để tạo hình lại cho phần mất da ở đầu, nhằm rút ngắn quá trình điều trị. Ưu điểm kỹ thuật này là giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, bớt đau đớn, giảm được chi phí đi lại và hạn chế được chấn thương tâm lý. Sở dĩ, chúng tôi chọn vạt da - cân cơ vùng đùi vì còn có mạch máu có thể nối với phần mạch máu ở thái dương để giúp vạt da ghép sau đó có máu để nuôi sống và không bị hoại tử”, ThS.BS Diệp Quế Trinh cho biết.
Trước đây, với những trường hợp mất da với diện tích rộng như vậy, các bác sĩ sẽ phải kích thích vùng sàn sọ, chờ lành thương bình thường. Bệnh nhi có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí hơn thế nữa, để chờ mô hạt mọc lên lại trên nền sọ mới có thể ghép da để hồi phục.
Theo ThS.BS Diệp Quế Trinh, 3 ca phẫu thuật trong 6 tuần qua chỉ hoàn thành về mặt chức năng, giúp vết thương lành lặn và tránh nhiễm trùng. Trong thời gian tới, khi các vạt ghép đã ổn định, bệnh nhi sẽ được đặt túi giãn da ở phần đầu còn lành lặn để kéo giãn phần da có tóc. Khoảng thời gian này có thể kéo dài khoảng 1 - 2 năm.
Sau đó, bé được phẫu thuật ghép da thêm một lần nữa bằng cách lọc bỏ phần da ghép hiện nay kéo phần da có tóc đã được kéo giãn qua. Đến lúc đó, các bác sĩ mới hoàn tất việc tạo hình thẩm mỹ, đảm bảo phần sinh lý bình thường của da đầu, bảo đảm trong tương lai bé có thể mọc tóc trở lại.
Trước đó, không ít lần, Khoa Phỏng - Tạo hình của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận các bệnh nhi bị những tai nạn đáng tiếc trong lúc vui chơi cũng như trong khi lao động, sinh hoạt, sử dụng các thiết bị trong gia đình. Điển hình như những bé gái để tóc dài thường bị quạt máy, máy sấy tóc... cuốn vào gây tai nạn hay bị cuốn vào các loại máy xay thịt…
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý khi cho con sử dụng những vật dụng có động cơ quay như máy xay, quạt máy... Nếu không may rơi vào trường hợp như trên, nên dùng khăn sạch quấn vào vùng bị thương, để tránh vết thương bị nhiễm trùng và đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất.