Vén bức màn bí ẩn về cuộc sống của người tiền sử

(khoahocdoisong.vn) - Việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa ở Tây Nguyên vén bức màn bí ẩn về cuộc sống của người tiền sử trên vùng đất ba zan cổ xưa.

Sức sống trong lòng đất ba zan

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết, tính đến 13/8/2018, chưa bao giờ ở Tây Nguyên các nhà khảo cổ phát hiện được di cốt người. Lý do bởi môi trường ba zan không bảo tồn được di cốt. Tuy nhiên, các phát hiện trong ngày 13/8/2018 và các ngày tiếp theo đã cho thấy cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu mà chúng ta không thể biết trước.

“Đi tìm nguyên nhân vì sao đất ba zan lại có khả năng bảo tồn được di cốt người, chúng tôi đã đưa ra kết luận có thể do con người cổ sống trong hang núi lửa này đã tìm nguồn thức ăn là nhuyễn thể (trai, ốc…). Chính vỏ nhuyễn thể giàu can xi đã làm thay đổi môi trường của họ và giúp bảo quản được di cốt chôn trong hang. Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm nhiệt độ trong hang thấp hơn nhiều so với ngoài hang, đó cũng là một nguyên nhân giữ cho di cốt được bảo quản tốt.

Nhà cổ nhân học kỳ cựu Nguyễn Lân Cường còn cho biết thêm việc tìm thấy di cốt người cổ không chỉ giúp các nhà khoa h

Mẫu vật được tìm thấy tại hang núi lửa ở Tây Nguyên

Mẫu vật được tìm thấy tại hang núi lửa ở Tây Nguyên

ọc vén bức màn bí mật về người cổ sinh sống ở vùng đất đỏ ba zan cổ xưa, việc phát hiện này còn có một ý nghĩa khác gây bất ngờ cho các nhà khoa học thế giới. Đấy là chính là các di chỉ được tìm thấy trong hang núi lửa.

“Chúng tôi đã liên hệ để tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc và Indonessia… họ đều phát biểu rằng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường tâm sự.

Những hé mở ban đầu

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, từ các kết quả nghiên cứu bước đầu đã hé mở những bí mật ẩn dấu đầu tiên về người cổ xưa ở đất ba zan Tây Nguyên. Thứ nhất, mặc dù các đặc điểm về chủng tộc chưa thể hiện rõ, nhưng từ hộp sọ ở mộ 2 đã cho thấy, em bé 4 tuổi được chôn tại mộ có mũi quá rộng, hốc mắt mặc dù thuộc loại trung bình nhưng nghiêng về thấp, răng có kích thước lớn.

Những đặc điểm trên thường thấy ở chủng tộc đen. Ngoài ra, việc tìm thấy di cốt của em bé 4 tuổi đã hé mở về phương thức chôn cất ở của người xưa. “Dựa vào vị trí của các xương dưới sọ, có thể suy ra bộ xương của mộ 2 được chôn theo tư thế ngồi bó gối, đầu gập xuống, hai tay co lại chụm vào dưới cổ, mặt úp sấp”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, thành viên nhóm thực hiện đề tài cho biết thêm: các di vật và di cốt được tìm thấy tại hố khai quật đã cho thấy cư dân tiền sử ở đây đã chọn lựa một số hang động núi lửa phục vụ cho những mục đích khác nhau. Các vết vết tích như xương răng động vật hoang dã, do con người săn bắt được và vứt lại sau bữa ăn, có thể coi đây chỉ là nơi trại săn tạm thời của người tiền sử.

Ngoài ra, việc khai quật tại hang C6-1 đã cho thấy 4 tầng văn hóa tương ứng 4 giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn 1 (sớm nhất), dày 40-50cm ở độ sâu 1,4m - 1,85m. Trầm tích mức này là bột sét màu xám, xám đen rồi chuyển dần sang màu xám vàng, lẫn nhiều vụn đá basalte phong hóa vón cục màu trắng đục dạng cao lanh, xuống sâu hơn trầm tích ngả màu đỏ nâu. Đồ đá có kích thước lớn, ghè đẽo thô sơ, gồm công cụ chặt, mũi nhọn, nạo hình đĩa, rìu hình bầu dục… xương thú lớn, hiếm vỏ nhuyễn thể. Các dấu vết văn hóa này thường gặp trong cư dân Đá mới sớm, cách đây 7.000 - 10.000 năm.

Giai đoạn 2, dày 50-65cm ở độ sâu 0,75m - 1,4m. Trầm tích bột sét mịn, nén khá chặt. Công cụ đá gồm: hình bầu dục, công cụ thắt eo hai bên, công cụ hình đĩa, rìu ngắn, dao cắt, nạo, những mũi nhọn từ mảnh tước; hòn ghè, chày nghiền, hòn kê, bàn mài. Xương động vật nhỏ, vỏ nhuyễn thể có sự hiện hiện của ốc Tiền (ốc biển), cho thấy cư dân tiền sử ở hang C6-1 đã có mối quan hệ với cư dân biển. Trong mức này còn có 3 mộ táng. Đặc điểm hiện vật và táng thức phản ánh niên đại trung kỳ Đá mới, khoảng 4.000 - 7.000 năm BP.

Giai đoạn 3, tầng văn hóa dày 30-40cm ở độ sâu từ 30cm đến 70cm. Trong mức này phát hiện được một răng người; xương cốt động vật thường to hơn; ốc suối, trai xuất hiện nhiều hơn, nhưng kích thước nhỏ hơn giai đoạn trước. Công cụ ghè đẽo thô còn tồn tại, xuất hiện rìu mài toàn thân, công cụ xương chủ yếu là mũi nhọn mài, chưa xuất hiện đồ gốm. Những vết tích văn hóa ở mức 2 phản ánh đặc điểm văn hóa giai đoạn hậu kỳ Đá mới.

Giai đoạn 4, tầng văn hóa dày 20-35cm (tính từ lớp mặt). Ngoài bảo lưu công cụ ghè đẽo như các giai đoạn sớm, tồn tại những chiếc rìu tứ giác mài toàn thân, công cụ mũi nhọn bằng xương, mũi tên đồng có ngạnh, đặc biệt là sự xuất hiện đồ gốm đất nung (pottery). Đồ gốm thuộc loại đất sét pha cát, hạt nhỏ, nặn tay, loại hình đơn giản, chủ yếu là nồi, bát, bình nhỏ, xương gốm mỏng, một số có lớp áo phủ, một số trang trí văn đập, văn in ô vuông, văn khắc vạch, in chấm. Đây là những di vật thường gặp trong các di tích sơ kỳ Kim khí Tây Nguyên.

“Có thể nói việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa Tây Nguyên là một bước ngoặt của cổ nhân học Việt Nam. Trên thế giới, theo ý kiến của một số học giả nước ngoài có dạng hang động này, nhưng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ” –PGS.TS Nguyễn Lân Cường.

Còn nhiều việc phải làm

TS La Thế Phúc cho biết, mặc dù mang tính phát hiện và đột phá xong phía trước còn rất nhiều việc. Thứ nhất việc khảo sát đã cho thấy, các di sản khảo cổ hang động ở đây là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Vì vậy cần nhanh chóng có hành lang pháp lý bảo tồn và phát huy di sản, trước mắt cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, tiến tới cấp quốc gia đặc biệt.

Thứ hai, những kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ hang C6-1 chỉ là bước đầu, cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, phân tích ADN, giám định thành phần chủng tộc người, làm rõ chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây; đồng thời phân tích niên đại tuyệt đối, bào tử phấn hoa, cổ từ cảm... phác dựng quá khứ xa xưa của cư dân tiền xưa trên đất Đắk Nông.

Thứ ba, hiện vật khai quật được cần được bảo quản lưu giữ cẩn mật tối ưu để sử dụng lâu dài; cần được được làm thành nhiều phiên bản (đối với hiện vật quý hiếm, độc bản) để phục vụ công tác trưng bày bảo tàng ngoài trời và bảo tồn tại chỗ.

Ngoài ra, cần nghiên cứu chi tiết để phục dựng/tái hiện môi trường sinh cảnh của người tiền sử trong hang động, phục vụ công tác bảo tồn và trưng bày tại chỗ để khai thác du lịch, phát triển bền vững kinh tế xã hội.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cũng nhấn mạnh, việc trước mắt là tiếp tục khai quật hang C6-1 (mộ số 1 và số 3) vào năm 2019 để tìm được hộp sọ của người trưởng thành. Đó sẽ là bằng chứng chính xác để tìm hiểu  loại hình nhân chủng của người cổ sống ở Tây Nguyên xa xưa.

Theo Đời sống
back to top